Thánh Christina Đồng trinh Tử đạo – Ngày 24 tháng 7

Kết quả hình ảnh cho christina of bolsenaChristina là một thiếu nữ thuộc dòng tộc quý phái. Cô sinh tại Tyrô bên Ý. Nhan sắc kiều diễm và tính nết đoan trang của cô đã làm cho nhiều thanh niên say mê được xe duyên kết nghĩa với cô; nhưng cha mẹ cô lại là những người rất sùng bái ngẫu thần. Thân phụ Christina đã bắt cô cùng với 12 trinh nữ khác đem giam trong một tháp lầu có bày la liệt những tượng thần bằng vàng và bằng bạc, để bắt các cô làm lễ hiến dâng cho các thần. Nhưng được ơn Thánh Linh soi sáng, Christina tự cảm thấy việc dâng cúng cho các thần tượng vô tri kia là một hành động bất xứng và đáng ghét. Vì thế cô đã ném qua cửa sổ những nén hương mà lẽ cô phải đốt dâng trước các tượng thần … Đó là những lời mở đầu truyện thánh Christina chép trong cuốn ‘truyện cổ các thánh’. Kết quả sau đó thế nào, người ta có thể đoán được dễ dàng.

Thân phụ cô nổi giận, nhưng cũng cố trấn tĩnh để lấy lời dịu ngọt dụ dỗ con bỏ đạo. Nhưng Christina vẫn một lòng trung thành với niềm tin yêu Chúa Kitô. Không cầm nổi tính nóng giận được nữa, nhưng nhất là vì óc mê tín mù quáng đã làm cho thân phụ Christina quên cả tình phụ tử. Ông hạ lệnh lấy roi đánh con gái của ông đến thịt nát tơi bời, rồi sau đó ông truyền đem nộp cho quan với hy vọng Christina có sợ oai quan mà chiều theo ý ông chăng. Trước toà quan, Christina vẫn một lòng kiên trung sắt đá; những cực hình dã man mà người ta hành hạ cô lại càng kích thích cô hăng hái trung thành với ly tưởng đã ôm ấp. Người ta buộc cô vào một bánh xe rồi cho xe chạy; sau đó lại buộc cô vào một hòn đá và cho ném xuống hồ, nhưng Thiên thần Chúa đã cứu cô thoát nạn. Người ta lại đun một vạc dầu sôi và bỏ cô vào, nhưng tay Chúa vẫn can thiệp để tỏ uy quyền của Người trước đám đông quần chúng. Sau đó lý hình lại bỏ cô vào một lò lửa cháy rực và tưởng rằng thân xác cô chỉ trong nháy mắt sẽ trở về hư vô, nhưng năm ngày trong lò lửa, cô vẫn được bình an vô sự. Cuối cùng một mũi tên đâm trúng tim đã kết liễu đời một nữ anh hùng của đức tin.

Theo câu truyện trên đây, thánh nữ Christina được liệt vào sổ các vị thánh thời danh. Trong năm vị thánh nữ được tôn kính và có địa vị ưu thế nhất trong quãng cuối thời Trung cổ, người ta cũng đọc thấy tên thánh nữ Christina. Dầu vậy, cho tới nay, các sử gia vẫn chưa khám phá ra đâu là sự thật trong mớ hỗn độn những sai lầm có thể làm mờ nhạt trang sử anh hùng của thánh nữ.

Thực ra, những lời ghi chép trong Tử Đạo thư Rôma chỉ là tóm tắt những lời của ông Adon. Ông này đã lấy lại những lời ghi chép của một tác giả vô danh người tỉnh Lyon rồi thay đổi chút ít. Như vậy ngay từ bản của Adon, người ta đã thấy có sự xuyên tạc. Tác giả vô danh người địa phận Lyon cho biết: Thánh nữ Christina sinh tại Tyrô, điều đó am hợp với Tử Đạo thư của thánh Giêrônimô. Nhưng Adon lại xác quyết rằng sinh quán của thánh nữ tại Ý và ở Tyrô, một tỉnh ở gần Bolsena. Quả quyết như vậy rồi, ông tự ý hạ bút thay đổi theo ý mình. Sở dĩ ông làm như thế vì ngoài Christina kể truyện đây, ông còn được biết có một Christina nữa ở Bolsena. Ông đã lập luận như sau: có lẽ thánh nữ Christina quê ở Bolsena cũng chính là Christina được kể truyện đây. Và để dung hòa những tập truyện khác nhau, ông đã ngang nhiên quả quyết xưa có một thành phố tên là Tyrô ở gần hồ Bolsena.

Sư thực hình như có hai thánh Christina khác nhau và sách Tử đạo truyện Rôma đã làm một sự lầm lẫn đáng tiếc là, trong khi viết mấy giòng ca tụng thánh Christina quê Bolsena, sách vô tình kể lại những truyện thuộc về đời sống của thánh Christina quê thành Tyrô!…

Cho tới nay người Hy lạp vẫn giữ một lòng sùng mộ cách riêng đối với vị nữ tử đạo thành Tyrô. Sách sử tích cổ thành Contantinôpôli đã hiến một mục rất dài để nói về tiểu sử thánh nữ. Nhưng tiếc rằng những tích truyện kể trong đó, tuy rất cổ sơ, nhưng lại thiếu giá trị lịch sử. Dầu vậy có một điều mà không ai phủ nhận là toàn dân ai ai cũng đều biết đến quý danh thánh nữ và mộ mến người. Bằng chứng cụ thể là trong bức tranh vẽ đoàn rước các Trinh nữ Tử đạo trưng bày ở nhà thờ thánh Apolinariô tại Ravenna, người ta cũng thấy có vẽ hình thánh nữ Christina đang chen trong đám rước các trinh nữ.

Còn về thánh nữ Christina quê Bolsena được ghi tên trong Tử đạo thư Rôma, nhưng chẳng may những dòng lịch sử ghi trong đó lại là những giòng tiểu sử của người cùng tên quê thành Tyrô. Thật là một sự lầm lẫn đáng tiếc! Hành vi tử đạo của Christina này bị kể lẫn lộn với những công việc của Christina kia. Và một ít chi tiết có tích cách thích hợp riêng với Christina Bolsena thì lại không có gì để bảo đảm. Riêng khoa khảo cổ cũng đã lại một vài tin tức đứng đắn, nhưng còn thiếu sót rất nhiều; những nhà khảo cổ cho biết: Bolsena là một thành phố quan trọng trong những thế kỷ đầu thuộc kỷ nguyên Kitô giáo; những giáo hữu thời Giáo hội sơ khai đều được chôn cất trong những hầm mộ. Những hầm mộ đó đầu tiên là một giáo đường bí mật được đào sâu vào một ngọn đồi. Đến năm 1880, người ta tìm thấy ở đó một thạch mộ đã bị lở mỗi phía tường; trong thạch mộ đó có một tráp nhỏ bằng đá cẩm thạch trên đó có những chữ:

+ I.R.Q.E.S.C.P.B.A.T.X.M

Mà người ta giả thuyết đó là những chữ của một câu sau đây: HIC REQUIESCIT CORPUS BEATAE XRISTINEA MARTYRIS, nghĩa là: nơi đây an giấc ngàn thu nữ chân phúc tử đạo Christina, những chữ đó có lẽ sau này vào khoảng thế kỷ X người ta mới ghi vào. Khoa cổ tự học đã chứng tỏ điều đó. Ngoài ra người ta còn đào thấy những mảnh xương, mà theo sự quan sát và khảo cứu, người ta chỉ có thể cho đó là những thành phần thuộc bộ xương của một người thiếu nữ. Hai bảng nhỏ có niên hiệu 373 và 406 cũng ghi nhận rằng thi hài thánh nữ Christina đã được đặt tại nơi đó. Đến thế kỷ thứ XI, hài cốt thánh nữ lại được di chuyển tới một giáo đường khác.

Trong khi chờ đợi những khám phá mới mà thời gian có thể đem lại, chúng ta hãy tạm công nhận rằng: có hai vị nữ tử đạo cùng có tên là Christina: Một vị quê thành Tyrô mà có người đã giả thuyết rằng thánh nữ Têôđôsia, vị khác quê thành Bolsena; cả hai đều chịu tử đạo vào cuối thời bách hại đầu tiên.