Suy Niệm Mùng Một Tết Con Trâu 2021

Anh chị em thân mến,

Năm con Chuột trôi qua, chúng ta đón chào năm con trâu đến, Năm Tân Sửu. Trong 12 con giáp, con trâu là con vật gần gũi nhất với người nông dân, một biểu tượng tuyệt đẹp của nền văn minh nông nghiệp lúa nước.

Trâu là một loài động vật có quan hệ với con người. Có lẽ không người Việt Nam nào không biết đến những câu ca chan chứa tình cảm này: “Trâu ơi ta bảo trâu này – Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta – Cấy cày vốn nghiệp nông gia – Ta đây trâu đấy ai mà quản công – Bao giờ cây lúa còn bông – Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. 

Những câu tục ngữ, thành ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “tậu trâu cưới vợ, làm nhà…”, “ruộng sâu, trâu nái”, “chín đụn mười trâu”… nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con trâu đối với người nông dân. Con trâu gắn bó mật thiết với người nông dân. Thủa thiếu thời thì chăn trâu, cắt cỏ giúp đỡ mẹ cha… lớn lên điều khiển trâu cày bừa, kéo xe, về già, trẻ trâu trở thành các cụ lại tiếp tục dắt trâu, giúp con cháu.

Chúng ta không thể phủ nhận quá trình lao động bên nhau đã tạo nên quan hệ gắn bó giữa người với trâu. Có những nét tương đồng về số phận, khiến trâu và người trở thành bạn thân thiết. Con trâu hiền lành chăm chỉ, vất vả một nắng hai sương “làm không kịp thở, ăn chẳng kịp nhai” như người, trâu cũng thật thà, chất phác, chịu thiệt thòi do “trâu chậm uống nước đục”. Trâu cũng vững chãi, mạnh mẽ như người, người có sức khỏe được ví “khỏe như trâu”. Ai đó nói “đàn gẩy tai trâu” ý muốn nói trâu vô cảm là chưa đúng, trâu cũng thông minh, “tinh quái” ra phết, biết “sáng tai họ, điếc tai cày”, biết được thái độ của chủ mà xử trí.

Trâu cũng là con vật tình nghĩa, thủy chung, xa cách nhiều năm vẫn nhớ chủ, đi xa vẫn nhớ đường về : “Lạc đường theo chó, lạc ngõ theo trâu”. Bản tính hiền lành, song trâu cũng là một loài vật dũng mãnh, thiện chiến, không dễ bắt nạt. Câu chuyện “Trâu đoàn kết giết hổ” là một bài học về tinh thần đoàn kết chống lại kẻ thù. Giai thoại dân gian cũng kể rằng cậu bé Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ chăn trâu đã lấy cờ lau tập trận, sau thành Vạn Thắng Vương lẫy lừng.

Trâu trong Kinh Thánh

Mừng Năm Tân Sửu, chúng ta tìm hiểu xem trong Kinh Thánh đã nói đến con Trâu như thế nào.

Trước hết, con trâu đã được Thiên Chúa dựng nên: ““Kìa con trâu nước mà Ta đã dựng nên nó như dựng nên ngươi” (G 40,10-19). Trâu tượng trưng cho sức mạnh : “Thiên Chúa đã đưa chúng ra khỏi Ai cập, Người là sức mạnh của chúng tựa sừng trâu” (Ds 23, 22); Tác giả vịnh gian than vãn cầu xin Chúa cứu khi lâm nạn : “Xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm, Gỡ thân con thoát miệng chó rừng, Khỏi nanh sư tử hãi hùng, Phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên” (Tv 22,20-22). Trâu được kẻ vào loài không thanh sạch (x. Lv 11,3); “Đây là những thú vật các ngươi được ăn: bò, cừu, dê, nai, hươu, hoẵng, sơn dương, linh dương, trâu rừng” (Đnl 14,4-5).

Amốt dùng hình ảnh trâu cày nơi thôn quê để thức tỉnh dân Chúa: “Người ta đem trâu bò đi cày ngoài biển sao? Thế mà các ngươi đã biến lẽ phải thành thuốc độc, đổi công lý nên ngải đắng!” (Am 6,12).

Hãy nghe Sách Ông Gióp nói về con trâu : “Liệu trâu rừng có muốn phục vụ ngươi, có chịu ngươi nhốt nó qua đêm bên máng cỏ nhà ngươi? (G 39,9). Liệu ngươi có đặt được ách vào cổ trâu rừng mà bắt nó kéo cày, và liệu nó có chịu theo ngươi đi cày bừa dưới thung lũng? (G 39,10). Ngươi có thể tin vào sức trâu rừng khoẻ mạnh mà giao cho nó những công việc nặng nề được không? (G 39, 11). Ngươi có thể nghĩ rằng trâu rừng sẽ trở lại và đem lúa về sân phơi của ngươi chăng?” (G 39,12).

Bài học từ năm con trâu

Có người cho rằng trong thời đại 4.0, hình ảnh con trâu kềnh càng, chậm chạp không còn phù hợp. Thời đại mới, tất cả đều nhanh chóng, “siêu tốc”, “phi mã”, gọn nhẹ, tinh xảo hơn…Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển nóng, thiếu kiểm soát, chạy theo những giá trị vật chất trước mắt đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về văn hóa, xã hội, môi trường…đe dọa sự phát triển bền vững, thậm chí dự báo những thảm họa. Vì vậy, biểu tượng con trâu rất thích hợp với xu hướng phát triển “chậm mà chắc”, coi trọng những giá trị tinh thần làm nền tảng của đạo đức xã hội như : hiền lành, hài hòa, chất phác, chăm chỉ, cần cù lao động, tình nghĩa thủy chung, kiên cường. Gốc có bền, cây mới vươn cao, móng có chắc chắn thì ngôi nhà mới vững chãi được. Dân giàu, nước mạnh; dân yên, nước vững bền. Đó là bài học giản dị, sâu sắc của cha ông mà đôi lúc nhiều người không nhớ.

Đối với quản lý xã hội, cần lấy dân làm gốc, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của dân, quan tâm đến đời sống của dân, chú trọng đến an sinh xã hội. Từ mấy thế kỉ trước, danh tướng Trần Hưng Đạo trước khi lâm chung đã căn dặn đức vua: “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước…”, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cũng thiết tha mong mỏi: “Sao cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu”; “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

Đối với giáo dục, vì chạy theo thành tích, bằng cấp, không chú trọng thực chất, đào tạo ra những con người thiếu kiến thức căn bản, thiếu kĩ năng nghề nghiệp, lâm vào tình cảnh dở dang, lửng lơ… gây nên nhiều nhức nhối cho xã hội.

Một số bậc làm cha làm mẹ chỉ lo đầu tư cho con học cho giỏi, vào trường chuyên, lớp chọn, đỗ vào các trường đại học danh giá, tìm kiếm những việc làm nhàn hạ, thu nhập cao, dạy cho con những cách ứng xử vừa lòng cấp trên, lo vun vén cho cá nhân…mà coi nhẹ giáo dục cho con cái lòng trung thực, tình yêu lao động, lòng nhân ái, khoan dung, hiệp nghĩa. Nhà trường thì chú trọng việc dạy chữ, mà coi nhẹ dạy người.  Nghĩa là chúng ta đang rời xa “văn hóa Trâu” xích gần hơn “văn hóa Cáo”, lo ngọn quên gốc, một nguy cơ của đạo đức xã hội. Như thế có gì là hay, là khôn ngoan.

Nhiều người mải mê kiếm tiền, đến khi ngoảnh nhìn lại, trong tay có tất cả nhưng lại than thở không biết hạnh phúc là gì. Khi coi việc kiếm tiền là mục đích sống, con người đã tự chuốc lấy bi kịch. Khi luôn phải bận rộn toan tính, tìm cách “khôn ngoan”, sống “lá mặt lá trái” không tin tưởng, chân thành với mọi người thì không thể có hạnh phúc. Hẳn mọi người còn nhớ bi kịch của chàng Đông Ki-sốt, bi kịch của lòng hiệp nghĩa, của lòng tốt, sự trung thực trở nên cô độc, buồn cười trong một xã hội quá khôn ngoan, tỉnh táo.

Hy vọng rằng năm Tân Sửu 2021, tinh thần “văn hóa Trâu” với những phẩm chất tốt đẹp của đạo lý truyền thống dân tộc sẽ được phục hưng. Chúc mọi người Năm Mới nhiều sức khỏe, khang an, thịnh vượng, phát đạt, thăng tiến về tinh thần cũng như vật chất nhờ hồng ân Thiên Chúa tặng ban. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ