Ơn Đại xá và Tiểu xá trong Giáo hội Công giáo

Hỏi:Trong tuần lễ đầu của Tháng Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời, Hội Thánh có ban ơn Đại xá và Tiểu xá cho những ai viếng nhà thờ và nghĩa địa. Xin cho biết ý nghĩa và cách thức được lãnh nhận các ân xá như thế nào? (Huy Trường, Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân, TGP. Sài Gòn)

Trả lời:

* Theo Tông hiến “Học thuyết về các ân xá – indulgentiarum doctrina” [xc. Tông hiến ở cuối bài viết] của Đức giáo hoàng Phao-lô VI (nay là Chân phước 19/10/2014) công bố ngày 1/1/1967, có hai loại ân xá trong Giáo hội Công giáo: Đại xá (còn gọi là Toàn xá, indulgence plénière) và Tiểu xá (indulgence partielle). Việc phân loại này xét theo việc tha toàn bộ hay một phần hình phạt của tội. Quyền ban ân xá này Giáo hội nhận được từ nơi Đức Ki-tô, và ban ân xá với mục đích để tha các hình phạt đáng chịu vì đã phạm tội. 

Tông hiến của Đức Phao-lô VI xác định việc lãnh nhận các ân xá như sau: 
  
1. Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá cho mình, hoặc nhường cho các linh hồn trong luyện ngục. 
  
2.Ơn Tiểu xá được ban khi người tín hữu thực hành một số việc lành phúc đức do Hội Thánh quy định, với điều kiện thật lòng ăn năn và từ bỏ các tội đã phạm. 
  
3.Mỗi ngày chỉ nhận được một ơn Đại xá mà thôi, trừ trường hợp nguy tử. Để lãnh ơn Đại xá trong trường hợp nguy tử, người hấp hối cầm thánh giá Chúa Ki-tô và tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Người. 
  
4.Những điều kiện thông thường để lãnh ơn Đại xá: thực hiện một công việc do Giáo hội chỉ định, xưng tội riêng, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng. 
  
5.Có thể xưng tội riêng trước hoặc sau ngày so với lúc thực hiện công việc do Hội Thánh chỉ định. Tuy nhiên, để được ơn Đại xá cần phải rước Mình Thánh Chúa và cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng đúng vào ngày được chỉ định. 
  
6.Có thể xưng tội riêng một lần để lãnh ơn Đại xá, tuy nhiên mỗi lần rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng chỉ nhận được một ơn Đại xá mà thôi. 
  
7.Để hoàn tất điều kiện “cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng”, người tín hữu sẽ đọc: một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng (hoặc một kinh nào khác do lòng sùng kính riêng), đồng thời hướng ý cầu nguyện về Đức giáo hoàng. 
  
8. Bản quyền giáo phận có thể cho phép tín hữu lãnh ơn Đại xá khi chưa xưng tội riêng hoặc chưa thể rước lễ vì những lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, người này phải dốc lòng ăn năn tội, cùng có ý hướng xưng tội và rước lễ sớm nhất có thể. 
  
9.Người tín hữu có thể lãnh ơn Đại xá khi đi viếng bất cứ nhà thờ nào, kể cả các nhà nguyện vào ngày 2/11, ơn Đại xá này được dành cho các linh hồn nơi luyện ngục. Ngoài ra, các tín hữu có thể lãnh ơn Đại xá hai lần nữa trong một năm khi đi viếng nhà thờ giáo xứ của mình: Một lần vào ngày lễ Bổn mạng. Một lần vào ngày 2/8 (ngày ân xá của nhà thờ Portioncule) hoặc ngày do Bản quyền giáo phận chỉ định. Cũng có thể lãnh ơn Đại xá vào Chúa nhật trước hay Chúa nhật sau hai ngày trên, với sự chấp thuận của Bản quyền giáo phận. 
  
10.Khi Bản quyền giáo phận chỉ định đi viếng một nhà thờ hay một trung tâm hành hương để lãnh ơn Đại xá, thì người tín hữu sẽ đọc: một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính lúc viếng nhà thờ này như điều kiện để lãnh ơn Đại xá. 
  
11.Khi người tín hữu dùng một đồ vật thánh đã được linh mục làm phép như tượng chịu nạn, thánh giá, ảnh đeo, tràng hạt… sẽ nhận được ơn Tiểu xá. Còn nếu các đồ vật này được Đức giáo hoàng và Đức giám mục làm phép, thì sẽ nhận được thêm một ơn Đại xá vào ngày lễ kính hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô (29/6) với điều kiện phải đọc một kinh Tin Kính vào ngày lễ này. 
  
12.Mỗi ngày chỉ nhận được một ơn Đại xá mà thôi. 
  
13. Các ơn Đại xá chỉ được ban vào các ngày được Tòa Thánh xác định, theo lợi ích chung của Giáo hội hoàn vũ, hoặc do lời thỉnh cầu của Bề trên Thượng cấp Hội Dòng, hay của Đấng Bản quyền địa phương. 
  
**Ngày 29/6/1968, Tòa Xá Giải Tông Tòa đã cho công bố tập “Enchiridion Indulgentiarum” để hướng dẫn cách chi tiết việc thực thi Tông huấn “Học thuyết về các ân xá – indulgentiarum doctrina” của Đức Phao-lô VI. Ngoài 13 điểm kể trên, tập tài liệu này còn nêu lên những điểm cơ bản cần lưu tâm: 
  
1) Không ai được lãnh hộ ân xá cho người còn sống, nhưng có thể nhường ân xá cho những người đã qua đời. 
  
2)Người tín hữu có lòng sám hối thật và thực hiện một việc lành có ân xá, thì được tha hình phạt tạm tùy theo công việc mình làm. 
  
3) Không còn áp dụng Tiểu xá mấy ngày hay mấy năm nữa. Cũng loại bỏ các ân xá về cá nhân, nơi chỗ, sự vật theo cách thức thực hành cũ. Từ nay chỉ nói đến ân xá do việc lành đã làm. 
  
4)Giám mục, Giám quản giáo phận có quyền ban ơn Tiểu xá trong giáo phận mình. Ngài cũng có quyền ban Phép lành Tòa Thánh với ơn Đại xá ba lần trong một năm, vào các dịp lễ trọng do ngài ấn định. 
  
5)Khi viếng nhà thờ để lãnh ân xá, thì thời gian viếng được tính từ trưa ngày hôm trước đến nửa đêm ngày hôm sau. 
  
6) Khi các đồ vật thánh có ân xá như tượng chịu nạn, thánh giá, ảnh đeo, tràng hạt… bị hư hỏng không sử dụng được nữa hay bị đem bán, thì không còn hiệu lực về ân xá. 
  
7)Linh mục giải tội có thể thay đổi việc làm cho các hối nhân để họ lãnh được ân xá, khi những người này không có khả năng thi hành những điều kiện phải giữ để hưởng một ân xá do Giáo hội quy định. 
  

Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ
Chánh Xứ giáo xứ Vườn Xoài, TGP. Sài Gòn

—————– 

Kết quả hình ảnh cho đức giáo hoàng phaolo 6

TÔNG HIẾN GIÁO LÝ ÂN XÁ
(INDULGENTIARUM DOCTRINA)
Do Đức Phaolô VI ban bố ngày 1 tháng 1 năm 1967 

Chương 1 :

1. Giáo lý và thực hành về Ân xá trải qua nhiều thế kỉ trong Giáo hội Công giáo, đãcó nền tảng vững chắc trong mạc khải Kinh Thánh. Khởi sự từ thời các Tông đồ và phát triển trong Giáo hội với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần . Qua các thế kỉ nối tiếp nhau, Giáo hội hằng theo đuổi sự viên mãn của chân lí cho tới khi Lời Chúa hoàn tất nơi Giáo hội.

Cần phải hiểu chính xác về giáo lí này và sử dụng cách hữu ích. Nhớ rằng: Giáo hội được Lời Chúa soi dẫn trong đức tin, các giám mục, những người thừa kế tông đồ, nhất là Giáo hoàng Rôma, thừa kế thánh Phêrô, đã giảng dạy trong giáo lí và thi hành trong mục vụ qua các thế kỉ cho tới thời nay là giáo lý chân Thật.
 

2.Điều mạc khải thần linh cho biết rằng, tội lỗi, vì xúc phạm đến sự thánh thiện và công chính của Thiên Chúa, nên đã sinh ra những hình phạt. Những hình phạt này được đền bù ở đời này bằng những đau buồn, bất hạnh, tai nạn, nhất là cái chết. Hoặc đền bù ở đời sau bằng lửa và những hình khổ, hoặc hình phạt thanh tẩy. Vì vậy, các tín hữu phải xác tín rằng, đường đưa tới sự dữ là đường lầm lạc, là đường đem đến nghịch cảnh, đắng cay, tai hại… 

Những hình phạt này do Thiên Chúa thiết lập bởi sự phán xét công bằng và thương xót của Chúa để thanh tẩy các linh hồn, bảo vệ sự thánh thiện trong trật tự luân lý, và hồi phục đầy đủ vinh quang cao cả của Thiên Chúa.
 

Thực vậy,mọi tội lỗi đều là nguyên nhân gây xáo trộn trật tự chung do Thiên Chúa thiết lập theo sự khôn ngoan không thể tả và tình yêu vô biên của Chúa , đồng thời nói lên sự hủy hoại ghê gớm những giá trị đáng kính cho chính tội nhân, và cho cộng đồng nhân loại. 

Các giáo dân trong những thế kỉ qua, luôn luôn nhìn nhận tội lỗi, không những phạm đến luật Chúa , mà còn phạm đến tình bạn giữa Thiên Chúa và nhân loại, dù không trực tiếp, nhưng cũng xúc phạm cách vô lượng đến  Thiên Chúa,  vô ơn từ bỏ Tình yêu Thiên Chúa tỏ ra với chúng ta qua Chúa Kitô , Đấng gọi các môn đệ là bạn hữu chứ không là tôi tớ nữa. 
  
3. Vậyđiều cần thiết là sự Đền bù tội lỗi,không những “tình bạn” với Thiên Chúa, tái lập lại trong tâm trí, những gì đã phạm đến sự Khôn ngoan và Nhân lành của Chúa, mà còn tái lập tương quan giữa cá nhân với xã hội, và trật tự tổng quát, đã bị suy nhược, hủy diệt bởi tội sinh ra. Sự đền bù phải do tình nguyện chấp nhận hình phạt do sự Công chính và Khôn ngoan rất mực của Thiên Chúa, đã chiếu giãi trong thế giới sự thánh thiện, huy hoàng của Thiên Chúa cao quang. 

Sự hiện hữu và nặng nề của hình phạt cho ta hiểu về sự điên dại và xấu xa của tội lỗi, và những hậu quả tai hại của nóHình phạt tội lỗi hoặc dấu vết vẫn còn, sau khi tội lỗi đã được tha thứ, đã chứng tỏ rõ ràng trong giáo lí về Luyện ngục. 

Quả thế, trong Luyện ngục, các linh hồn “chết trong tình yêu của Chúa và thực tình sám hối, trước khi đền bù cân xứng với tội phạm để được tha, phải “thanh tẩy sau khi chết” bằng những khổ hình trong Luyện ngục. Điều này đã rõ ràng qua những lời cầu trong Phụng vụ, qua việc các kitô hữu cử hành trong mầu nhiệm Các thánh thông công, dâng lên Thiên Chúa từ thời rất sơ khai: “Chúng con, chịu những hình phạt vì tội lỗi chúng con đã phạm, xin thương xót tha thứ chúng con vì Vinh Danh Chúa”.

Vì mọi người sống trên trần gian, đã phạm ít là tội mọn hằng ngày, vì thế, tất cả đều cần đến Lòng Thương xót Chúa ban ơn tha thứ những hình phạt bởi tội phát sinh.
  

Chương hai:
  

4. Nơi loài người, có mầu nhiệm về thánh ý Thiên Chúa tốt lành ẩn giấu, một sự liên kết siêu nhiên “nơi đâu có tội làm hại con người, nơi đấy cũng có sự thánh thiện cứu giúp con người”.Người Công giáo tương trợ lẫn nhau để đạt đích siêu nhiên.Chứng cớ sự tương trợ này thể hiện nơi Adam, từ ông, tội lan ra mọi người. Nhưng ta có sự tương trợ lớn nhất, hiệu quả nhất, trên nền tảng và gương mẫu Chúa Kitô, liên kết chúng ta với Đấng kêu gọi chúng ta. 

5. Thực vậy, Chúa Kitô, Đấng đã chịu khổ vì ta, nhưng không hề phạm tội, đã bị thương tích vì tội ta, chịu thiệt thòi vì ta, nhờ thương tích của Ngài mà ta được chữa lành. 

Theo chân Chúa Kitô, các tín hữu luôn trợ giúp nhau, đưa nhau về cùng Cha trên trời, qua lời cầu nguyện, trao đổi phúc lành và việc đền tội. Họ càng dấn thân vào đức ái nồng nhiệt, họ càng tỏ ra noi gương Chúa Kitô đau khổ, vác thập giá mình để đền tội mình và tội tha nhân, nắm chắc rằng họ giúp anh chị em đạt tới ơn cứu độ nơi Thiên Chúa la Cha Thương xót. Đây là giáo lí rất xưa về “Các thánh thông công”, từ đó, đời sống mỗi người con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô và qua Chúa Kitô được liên kết cách lạ lùng với các anh chị em kitô hữu khác trong sự hợp nhất linh thiêng của Nhiệm thể Chúa Kitô, như trở thành một nhiệm thể riêng biệt. 

Điều này giải nghĩa về“kho tàng của Giáo hội” qua các thế kỷ, không phải là gom góp của vật chất, nhưng là góp giá trị việc đền tội vô cùng vô tận với công nghiệp Chúa Kitô Chúa chúng ta trước Nhan Thiên Chúa, được dâng lên để đền tội loài người và thông hiệp với Thiên Chúa Cha. Chính trong Chúa Kitô, sự đền bù và công nghiệp cứu chuộc của Người có sức mạnh đó. Kho tàng này cũng thực mênh mông không thể dò thấu, luôn tươi mát trước Thiên Chúa những lời cầu nguyện và việc lành của Đức Mẹ Maria và của các thánh, là các đấng theo chân Chúa Kitô và nhờ ơn thánh Người, được thánh hóa đời sống và chu toàn sứ mạng được Thiên Chúa Cha trao phó. Vì vậy, trong khi chờ ngày cứu độ riêng mình, họ cũng cộng tác cứu rỗi anh em mình trong sự hợp nhất của Thân mình mầu nhiệm. 

“Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4:16). Như thế, sự hợp nhất với các lữ hành, đã qua đi trong Chúa Kitô trong giấc ngủ bình an của Chúa Kitô, không làm suy yếy hay gián đoạn, nhưng trái lại, theo đức tin hằng có của Giáo hội , được tăng sức bởi sự thông công của cải thiêng liêng. Vì các thánh trên Thiên đàng, kết hợp chặt chẽ với Chúa Kitô hơn, các ngài xây dựng sự thánh thiện vững vàng hơn, trong Giáo hội, trong sự thánh thiện, trong sự thờ phượng Thiên Chúa trổi vượt hơn Giáo hội dâng lên Thiên Chúa tại dương thế này, qua cách xây dựng khác  (x. 1 Cr 12: 12-27). 

Vì sau khi được nhận vào nhà Thiên đàng, và hiện tại trong Thiên Chúa (x. 1 Cr 5:8), nhờ Người, với Người và trong Người, các ngài không ngừng can thiệp với Cha cho chúng ta, bày tỏ công nghiệp các ngài đã lập được trên thế gian này qua Trung gian duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và là người (x. 1 Tm 2:5), bởi phụng sự Chúa trong mọi sự và mang trong mình những gì còn thiếu trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô cho Thân thể Người là Giáo hội (x. Cl 1:24). Đó là nhờ lợi ích tình huynh đệ, sự yếu đuối của chúng ta được vững mạnh. 

Vì lý do này, chắc chắn có sự kiện giữa các tín hữu đã tới Nhà Thiên quốc, những tín hữu còn đang đền tội trong Luyện ngục, và các tín hữu còn lữ hành nơi dương thế, liên kết với nhau trong đức Ái, trao đổi dồi dào với nhau những ơn lành, nhờ đó, phép công thẳng của Thiên Chúa được đền bù trong toàn Nhiệm thể Chúa.Lòng Thương Xót Chúa đưa tới sự thứ tha, cốt để những hối nhân ăn năn thống hối thành tâm, được hưởng nhiều chừng nào có thể những ơn phúc trong gia đình Thiên Chúa. 

Chương ba:
  

6.Giáo hội, ý thức những chân lí từ nguồn gốc, thiết lập, áp dụng nhiều cách khác nhau những hiệu quả ơn cứu chuộc của Chúa cho từng tín hữu cũng như cộng tác để cứu rỗi anh chị em mình, để  tất cả Giáo hội chuẩn bị trong công chính và thánh thiện cho tới khi Nước Thiên Chúa hoàn tất, trở nên mọi sự cho mọi người. 

Chính các Tông đồ kêu gọi môn đệ mình cầu nguyện cho phần rỗi các tội nhân. Lối thực hành này trong Giáo hội được duy trì cách tốt lành, cách riêng kêu gọi cộng đoàn cầu bầu cho các hối nhân, cho những người qua đời thoát hình khổ, nhất là nhờ dâng thánh lễ. Các việc lành, nhất là những người yếu đau trong thân thể,cũng được dâng cho Thiên Chúa để cầu cho các tội nhân được cứu độ. Từ thời xa xưa Giáo hội đã thực hành như thế. Các khổ hình của các vị tử đạo vì đức tin và vì lề luật Chúa được coi như có giá trị lớn.Các tội nhân thường hướng tới các vị Chứng nhân này, nhờ công nghiệp các ngài giúp mình mau chóng được hòa giải nơi các giám mục. Quả thực, lời cầu nguyện và việc lành của người công chính có giá trị lớn lao giúp hối nhân được thanh tẩy, cứu rỗi với sự trợ giúp của toàn thể cộng đồng dân Chúa. 

Nhưng không phải công nghiệp cá nhân tín hữu đem lại ơn tha thứ tội lỗi cho hối nhân anh em mình, nhưng lànhờ toàn thể Giáo hội như là thân thể cá biệt hợp nhất với Chúa Kitô là đầu, mang lại sự đền bù.
 

Các Giáo phụ trong Giáo hộithâm tín sâu xa rằng, theo đuổi công việc cứu rỗi trong cộng đồng, dưới quyền bính các chủ chăn, được Chúa Thánh Thần thiết lập, là các vị giám mục điều hành Giáo hội Chúa. Vì thế, các ngài khôn ngoan hành xử, thiết lập mức độ đền tội theo giáo luật, được thay thế bằng những việc có thể nhẹ nhàng hơn, mang lợi ích chung và thích hợp nuôi dưỡng lòng đạo đức, tội nhân và các tín hữu khác thực hành được. 

Chương bốn:
  

7.Giáo hội thâm tín rằng, các chủ chăn của đoàn chiên có thể xóa đi nhữngdấu vết tội lỗi bằng cách áp dụng công nghiệp Chúa Kitô và các thánh, dần dần qua các thế kỉ, dưới sự soi sáng từ từ của Chúa Thánh Thần cho dân Chúa,sử dụng những ân xá do giáo lý và kỷ luật của Giáo hội ban chứ không phải là thay đổi. Từ cội rễ của mạc khải, lợi ích mới gia tăng cho các tín hữu và cho toàn Giáo hội.

Việc sử dụng những ân xá, dần dần trở nên hiển nhiên trong lịch sử Giáo hội khi các Giáo hoàng Rôma ban các sắc lệnh chỉ định một số việc nào đó hữu dụng cho công ích “có thể thay thế việc đền tội” [34] và rằng giáo dân nào thực tình sám hối và xưng tội” và làm việc được chỉ định, sẽ được ban “nhờ lòng Thương xót Thiên Chúa cao cả… và tin vào công nghiệp, và quyền bính các Tông đồ” và nhờ sự sung mãn sức mạnh tông tòa, không những được tha thứ đầy đủ và dồi dào, mà còn được tha thứ rất trọn vẹn tội đã phạm”. 

Vì “Con một Thiên Chúa đã sinh ra, đã sắm cho Giáo hội chiến đấu một kho tàng, và kí thác cho ông Phêrô, người mang chìa khóa Thiên đàng, và các vị đại diện ông, các đại diện Chúa Kitô trên trái đất, để các ngài có thể phân phát kho tàng ấy cứu rỗi các tín hữu, áp dụng cách thương xót vì những lí do hợp lí cho những ai sám hối và xưng tội, tha tất cả hoặc từng phần hình phạt tạm phải chịu vì tội phạm, cách tổng quát hoặc cách riêng biệt, tùy sự phán xét thích hợp trước mắt Chúa. Công nghiệp của Đức Mẹ và các thánh cũng được cộng thêm vào kho tàng này”.

8.Sự tha thứ hình phạt tạm, bởi tội đã được tha trước, gọi bằng tên riêng là ân xá. Đây là cách giảm bớt dấu vết tội, đồng thời tẩy sạch các dấu vết ấy.

Qua ân xá, Giáo hội lợi dụng sức mạnh của Chúa Kitô, qua lời cầu nguyện và qua sự can thiệp của quyền bính, áp dụng cho người tín hữu, như họ chuẩn bị, kho tàng đền bù mà Chúa Kitô và các thánh đã lập để tha các hình phạt tạm. 

Mục đích khi quyền bính Giáo hội ban ân xá , không những nhằm tín hữu thoát khỏi hình phạt mà còn thúc đẩy họ làm việc đạo đức, đền tội, và bác ái để gia tăng đức tin và mưu cầu công ích.
 

Khi tín hữu lãnh ân xá cho người đã chết, họ vun trồng đức Ái cách tuyệt diệu, và khi họ hướng tâm trí lên trời, họ cũng nên khôn ngoan hơn nơi trần thế. 

Quyền Giáo huấn Giáo hội đã trình bày và làm sảng tỏ giáo lý về ân xá qua nhiều văn kiện.Nhưng bất hạnh, nhiều khi sự thực hành về việc lãnh ân xá bị dùng sai do phô trương hoặc không đúng lúc, làm ân xá bị khinh thường, hành động vô phép, bị khinh khi xúc phạm. Giáo hội phải sửa sai những tệ nạn ấy và dạy rằng: “Phải duy trì ân xá cho phần rỗi cao cả của các linh hồn như Giáo huấn Giáo hội và Công đồng đã chuẩn nhận, đồng thời lên án dữ cho những kẻ khinh thường ân xá, hoặc chối quyền Giáo hội ban những ơn này.” 

9.
 Ngày nay, Giáo hội cũng kêu mời con cái khắp nơi suy ngắm kĩ về những ích lợi và cách lợi dụng những ân xá cho chính họ và cho Giáo hội.
 

Điều đáng lưu ý là, việc thực hành nhằm cứu rỗi này, cho ta biết, tín hữu khi lãnh ân xá cần hiểu rằng do sức riêng mình, họ không thể chữa trị những tai hại gây ra cho mình và cho công đồng bởi tội đã phạm, họ phải kêu đến ơn cứu rỗi cách khiêm nhường. 

Đàng khác, việc sử dụng ân xá cho ta thấy mình gần gũi với nhau trong Chúa Kitô, và đời sống siêu nhiên mình có thể giúp nhau dễ dàng và gần gũi kết hợp với Chúa Cha. Dùng ân xá có ảnh hưởng cách hữu hiệu trên đức Ái nơi chúng ta, và tỏ ra đức Ái cách trổi vượt khi ta nhường ân xá cho những anh chị em đã li trần trong Chúa Kitô.

10.Khi làm việc lành để lãnh ân xá thức tỉnh lòng trông cậy vào Thiên Chúa Cha, không được cẩu thả hay không cố gắng để chuẩn bị  được thông hiệp trọn vẹn với Chúa . Dù ân xá là ơn ban không, nhưng chỉ ban cho người sống cũng như người chết với những điều kiện xác định.

Để được lãnh ân xá, đòi phải làm một số việc chỉ định. Tín hữu cũng phải có những dữ kiện cần thiết, nghĩa là: yêu mến Chúa , ghét tội, trông cậy vào công nghiệp Chúa Kitô, và tin vững vàng vào sự trợ giúp vĩ đại phát sinh từ mầu nhiệm Các thánh cùng thông công.
 

Hơn nữa, người tín hữu cũng phải nhớ rằng, để lãnh ân xá, họ phải tùng phục các vị chăn chiên hợp pháp trong Giáo hội, nhất là Đức Giáo hoàng kế nghiệp thánh Phêrô, Đấng mang chìa khóa Nước Trời. Chính Chúa Kitô đã tín nhiệm trao bổn phận nuôi dưỡng đoàn chiên và điều hành Giáo hội của Chúa. 

Thể chế cứu độ của ân xá, vì vậy, trình bày một Giáo hội trước Chúa Kitô, không khuyết điểm, nhưng thánh thiện tinh tuyền,  kết hợp với Ngài bằng mối giây siêu nhiên của đức Ái. Qua những ân xá, các phần tử của Giáo hội nên thanh sạch và mau lẹ kết hợp với các phần tử khác của Giáo hội trên Thiên đàng, vương quốc Chúa Kitô qua những ân xá này, lớn hơn và lẹ hơn “tới khi tất cả chúng ta đạt được sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết sâu xa hơn của Con Thiên Chúa , tới con người hoàn hảo, tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô”. 

11. Mẹ Giáo hội Công giáo hỗ trợ những chân lý này, khi khuyến khích giáo dân lãnh nhận ân xá
như là những việc rất thân thương trong nhiều thế kỉ cũng như ngày nay được chứng minh do kinh nghiệm, nhưngkhông làm giảm giá các phương cách thánh hóa và thanh tẩy khác, nhất là thánh lễ Misa và các bí tích, nhất là bí tích Giải tội. Cũng không làm giảm giá các sự trợ giúp khác như các á bí tích và các việc đạo đức, đền tội và bác ái. Tất cả các việc đền tội này đều mang đến sự thánh thiện và thanh tẩy rất hiệu quả, đem các tín hữu đến kết hợp với Chúa Kitô chặt chẽ hơn, Ngài là Đầu của nhiệm thể Giáo hội nhờ đức ái. Sự trổi vượt của đức ái trong đời sống kitô hữu cũng được minh xác qua các ân xá. Không thể chiếm được ân xá nếu không có sự sám hối chân thành trong tâm trí (“metanoia”) và kết hợp với Chúa, làm những việc có ân xá đã được chỉ định.Như thế là nhờ thực hành đức ái mà các hình phạt được tha, bởi Giáo hội phân phát kho tàng ơn phúc. 

Khi khuyên nhủ giáo dân đừng bỏ hoặc thờ ơ với những thánh truyền, nhưng đón nhận với tâm tình đạo đức, như là kho tàng quí báu của gia đình Công giáo, Giáo hội không hề bỏ chúng, như những phương tiện thanh tẩy và thánh hóa thánh thiện và tự do của con cái Thiên Chúa. Giáo hội hằng nhắc nhở con cái rằng những phương thế này là cần hay ít ra cũng tốt và hữu ích để đạt ơn cứu độ. 

Mẹ Giáo hội coi là thích hợp và quí trọng việc sử dụng những ân xá, giới thiệu một vài đổi mới về qui định để lãnh ân xá. 

Chương năm:
  

12.Những quy luật sau đây giới thiệu những khía cạnh khác nhau trong việc lãnh ân xá, theo những đề nghị của các Hội đồng Giám mục. 

Những điều khoản trong Giáo luật và Sắc lệnh của Tòa Thánh về ân xá, không có ghi trong luật mới này, thì giữ nguyên không thay đổi. 

Theo luật mới, 3 điều này phải đặc biệt để ý: – Thiết lập mức độ mới cho các Tiểu xá, – Giảm một số lớn các Đại xá, – Những ân xá gọi là “thực sự” và “địa phương” đều được đơn giản hơn và lựa chọn kĩ hơn. 

Đối với các tiểu xá, không còn liệt kê ngày và năm như trước, chỉ nói chung là “được tiểu xá”, khi tín hữu làm công việc được chỉ định. 

Do những việc người tín hữu làm, họ được công nghiệp như kết quả chính, ngoài ra, họ được những tiểu xá do Giáo hội ban để được tha những hình phạt tạm, tùy theo lòng mến của họ, và tùy cách làm hoàn hảo hơn kém, mà được tha nhiều ít. 

Khi giảm bớt những đại xá là để người tín hữu thụ lãnh với tâm tình qúy trọng chúng hơn, và chuẩn bị xứng đáng hơn để nhận lãnh. Vì càng dễ lãnh, người ta càng dễ thờ ơ. Cho nhiều thì không mấy qúy. (what is offered in abundance is not greatlyappreciated). Đàng khác, tín hữu cũng phải dành thời giờ để chuẩn bị nhận lãnh đại xá. 

Về những ân xá liên quan đến “đồ vật ảnh tượng” và “dành cho địa phương”, không những bị giảm đáng kể theo số, mà còn xác định rõ hơn về những việc làm có ân xá, không phải đồ vật hoặc nơi chốn, nhưng là các dịp được ân xá.  Các phần tử của các Hội đạo đức có thể lãnh ân xá dành cho Hội mình mà không cần điều kiện về đồ vật. 

THÀNH LUẬT 
  
n.1—Ân xá là sự tha thứ trước mặt Chúa các hình phạt tạm phải chịu vì tội đã được tha, cho những môn đệ Chúa Kitô, với những điều kiện xác định, qua sự can thiệp của Giáo hội, như là thừa tác viên cứu rỗi, tha thứ với thẩm quyền, và áp dụng kho tàng đền tội do Chúa Kitô và các thánh đã lập.
 
n.2—Tùy được tiểu xá hay đại xá mà hình phạt tạm sinh ra bởi tội được tẩy xóa từng phần hay toàn phần

n.3—Tiểu xá hay đại xá luôn luôn có thể chỉ cho các linh hồn đã qua đời

n.4—Tiểu xá được xác định bằng từ “tiểu xá”, không xác định ngày hay năm như trước.
 
n.5—Người tín hữu, nếu ăn năn tội cách trọn, làm việc có tiểu xá, cũng được tha các hình phạt tạm do công việc ấy, và do sự bầu cử của Giáo hội.
 
n.6—Mỗi ngày chỉ được lãnh một đại xá, trừ sự tiên liệu trong số 18 dưới đây cho những ai nguy tử. Tiểu xá có thể lãnh mỗi ngày nhiều lần, trừ khi có điều khoản ấn định ngược lại rõ

n.7—Để lãnh đại xá, phải làm việc có đại xá và giữ 3 điều kiện sau: – Xưng tội, – Rước lễ, Cầu nguyện theo ý ĐGH. Điều đòi khác là phải dứt lòng quyến luyến tội lỗi, dù tội nhẹ.
 
Nếu không có đủ điều đòi hỏi, hay không đủ 3 điều kiện trên, thì chỉ được tiểu xá, trừ khi gặp điều 11 dưới đây cho những ai ngăn trở.
 
n.8—Ba điều kiện đòi buộc, có thể làm ít ngày (several days) trước hoặc sau khi làm việc  lãnh đại xá, nhưng việc Rước lễ và cầu theo ý ĐGH thì phải làm cùng ngày lãnh ơn.
 
n.9—Một lần xưng tội đủ để lãnh nhiều đại xá, nhưng Rước lễ và cầu theo ý Đức giáo hoàng thì đòi cho từng đại xá.
 
n. 10—Điều kiện cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng , được coi như đầy đủ, khi đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng, nhưng tín hữu được tùy ý  đọc thêm kinh theo lòng đạo đức của mình để cầu theo ý Đức giáo hoàng .
 
n. 11—Không có gì thay đổi năng quyền ban theo giáo luật số 935 cho các linh mục giải tội đối với những ai ngăn trở hoặc do việc đã nói tới, hoặc do các điều kiện (để lãnh ân xá), Bản quyền địa phương có thể theo luật mà ban đại xá,  cho những ai sống ở nơi không thể, hoặc rất khó lãnh Phép Giải tội và Rước lễ, miễn là họ ăn năn tội và có ý lãnh nhận hai bí tích này sớm bao nhiêu có thể.
 
n.12—Sự phân chia ân xá thành “cá nhân, thực sự, địa phương” như trước nay bị bãi bỏ, để làm sáng tỏ ân xá theo việc làm của người tín hữu, dù đồng thời có dính kết với đồ vật, nơi chốn.
 
n.13—Bảng ân xá (thu tập những việc làm và kinh nguyện có ân xá) sẽ được cải đổi cho hợp với những lời cầu nguyện và việc đạo đức, bác ái, đền tội quan trọng hơn.
 
n.14—Danh sách và tổng hợp ân xá riêng cho các Dòng tu, những Tu hội  sống chung không lời khấn, Hiệp hội đời, hội đạo đức, sẽ được sửa đổi rất sớm,  nương theo những ý kiến của các Bề trên Tổng quyền, các Hội đạo đức, các Bản quyền địa phương, trong  việc lãnh đại xá vào những ngày đặc biệt do Tòa Thánh đã thiết lập.
 
n.15—Đại xá  ngày 2 tháng 11 (lề Cầu hồn), để chỉ cho người quá cố được lãnh trong mọi nhà thờ, nhà nguyện công, bán công, cho những ai có đủ điều kiện.
 
Đại xá cũng được lãnh 2 lần trong năm tại các nhà thờ giáo xứ: ngày lễ kính thánh Bổn mạng và ngày 2 tháng 8 (“Portiuncula”), hoặc dịp thuận tiện khác tùy Bản quyền địa phương.
 
Các đại xá nói trên, có thể lãnh vào đúng ngày hoặc Chúa nhật trước hoặc sau, tùy Bản quyền địa phương.
 
Các ân xá khác liên quan tới nhà thờ, nhà nguyện sẽ được điều chỉnh sớm hết sức.
 
n.16—Việc phải làm để lãnh đại xá khi viếng nhà thờ, nhà nguyện, là tín hữu sẽ đọc một kinh Lạy Cha và kinh Tin kính.
 
n.17—Tín hữu dùng đồ đạo được linh mục làm phép như tượng Chúa chịu nạn, thánh giá, tràng hạt, áo Đức Mẹ, ảnh vảy, sẽ  được lãnh tiểu xá.
 
Nhưng nếu những đồ trên được Đức giáo hoàng hoặc Đức giám mục nào làm phép thì có thể được đại xá vào lễ kính hai thánh Phêrô Phaolô Tông đồ, nếu tín hữu ấy đọc bản tuyên xưng đức tin hợp pháp, (kinh Tin Kính).
 
n.18—Các tín hữu nguy tử mà linh mục không thể cho họ lãnh Bí tích cuối cùng cũng như đại  xá giờ lâm chung theo giáo luật khoản 468, tuy nhiên Mẹ Giáo hội ban đại xá lâm chung cho họ, nếu trong đời sống họ vẫn thường cầu nguyện, và lúc này , thật đáng khen nếu  họ  cầm tượng Chúa Tử nạn hay Thánh giá và ước ao lãnh đại xá (toàn xá).
 
Đại xá giờ lâm chung này được ban cho tín hữu, dù ngày hôm đó họ đã lãnh đại xá khác rồi.
 
n.19—Luật ấn định về đại xá, liên quan tới số 16, cũng thường áp dụng từ trước tới nay như vậy để lãnh đại xá khi viếng nhà thờ nhà nguyện (đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính).
 
n.20—Mẹ thánh Giáo hội , rất lo lắng cho các tín hữu đã qua đời, đã quyết định có thể nhường cho các linh hồn ấy ơn phúc cách rộng rãi nhất của bất cứ thánh lễ Misa nào.
 
TRUYỂN LUẬT
  
Những luật mới liên quan đến việc lãnh ân xá sẽ có hiệu lực trong 3 tháng kể từ ngày công bố Tông huấn này trong Công báo Tòa Thánh. 

Những ân xá liên quan đến các đối tượng tôn giáo không nói đến ở trên, sẽ chấm dứt trong 3 tháng kể từ ngày công bố Tông huấn này trong công báo Tòa thánh. 

Những điều lấy lại nói đến trong số 14 và 15 phải tuân theo luật Tòa Xá giải  trong vòng 1 năm. Hai năm sau ngày công bố Tông huấn này, những ân xá không nói tới trong Tông huấn này sẽ bị bãi bỏ. 

Chúng tôi muốn rằng những điều chúng tôi ấn định và ban hành đây sẽ có hiệu lực trong tương lai, không gì hạn chế, bất kể những điều các vị tiền nhiệm chúng tôi đã ấn định. 
  
Ban hành tại Rôma – Đền Thánh Phêrô ngày 1 tháng 1 năm 1967
Năm thứ 4 triều đại Giáo hoàng của chúng tôi.
 

Phaolô VI ấn ký.

paginaoriente.com