Những người thầy đồng hành với ơn gọi

Đối với các linh mục – tu sĩ đảm nhận công việc chăm lo ơn gọi, thời gian gắn bó với học trò để lại không ít kỷ niệm, và xen lẫn là nỗi ưu tư. Câu chuyện về sự đồng hành của mỗi người thầy mang những sắc màu khác nhau…

BUỒN VUI TRONG SỨ MẠNG

Ðồng hành trong đời sống tận hiến là nhiệm vụ quan trọng nên các cha, các nữ tu phụ trách luôn bền bỉ dày công. Tại một số giáo phận, dòng tu, có những linh mục, tu sĩ hoàn toàn đặc trách việc này, song cũng không ít nơi, do nhu cầu nhân lực, nhiều cha vừa giúp xứ đạo vừa tham gia giảng dạy cho các tu sĩ, chủng sinh. Cha giáo Phaolô Ðặng Tiến Dũng (GP Mỹ Tho) vừa dạy Thánh Kinh tại Tiểu Chủng viện (TCV) Gioan XXIII, vừa lo nhiệm sở họ đạo vùng quê Thủ Ngữ, cảm nhận những tháng ngày được tới lui nơi giáo xứ và TCV dạy cho các dự tu là niềm hạnh phúc lớn lao của đời dâng hiến: “Sau một tuần bận rộn tại họ đạo với bà con, sáng thứ hai tôi được dịp đến với mái nhà TCV giúp giảng dạy cho các chủng sinh, bên cạnh đó là lồng thêm những trải nghiệm thực tế về cuộc sống của các giáo hữu”. Suốt nhiều năm nay, cứ sáng đầu tuần, sau khi dâng lễ cùng cộng đoàn, cha lại lật đật chuẩn bị lên giảng đường. Ðoạn từ Thủ Ngữ về Mỹ Tho lại bất lợi vì phải sang sông bằng chiếc đò nhỏ, dầu vậy vẫn không làm cha giáo mệt mỏi mà ngược lại, nỗi khó nhọc như chất liệu sống động gởi vào lời giảng.

Khi về già, sau tất cả, những mảnh ghép về tháng ngày miệt mài giảng dạy, len lỏi ẩn hiện trong tâm khảm những người thầy. Trong ảnh là linh mục Micae Nguyễn Văn Minh GP Phú Cường (ảnh: Hùng Luân)

 

Với các cha giáo, mục vụ ơn gọi làm nên ký ức tuyệt đẹp để rồi khi về già, sau tất cả, những mảnh ghép về tháng ngày miệt mài thi thoảng ẩn hiện. “Ngày trước, khi chưa về nhiệm sở xứ Búng ở Bình Dương, tôi dạy tại chủng viện Phú Cường, Tu viện Lời Chúa, rồi về làm chánh xứ, suốt mấy chục năm cũng đồng hành với các chủng sinh, chạy xe cọc cạch đi nơi này nơi kia. Niềm vui bây giờ là nhiều học trò đã trở thành linh mục”, bên căn phòng hưu dưỡng, cha Micae Nguyễn Văn Minh bồi hồi nhớ lại. Suốt hơn 40 năm đặc trách giảng dạy, mỗi học trò, dù tính nết khác nhau, dù thời gian trôi qua lâu, cha giáo vẫn in trí mồn một.

Gắn bó cùng các dự tu còn khiến các cha gặp lại hình ảnh của chính mình trong quá khứ, như chia sẻ của linh mục Giám tỉnh Vinhsơn Nguyễn Văn Ðịnh, dòng thánh Carôlô Scalabrini: “Gần gũi anh em dự tu luôn làm cho tôi cảm thấy mình trở về những năm tháng mới bước vào tu viện, có khát vọng dấn thân, nhiệt tình phục vụ, có day dứt giữa lời mời gọi thiêng thánh và cám dỗ trần tục. Từ kinh nghiệm đó, tôi giúp anh em phân định từng bước để thuần khiết hơn trong việc dấn thân. Tôi rất vui khi anh em chia sẻ những cảm nghiệm của mình, khi thấy mấy em đang lặng lẽ cầu nguyện trước nhà chầu Thánh Thể, nhưng cũng cảm thấy buồn khi có những ứng sinh sau vài năm tìm hiểu đã xin trở lại gia đình. Nói chung, việc đào tạo là một công việc đầy thử thách”.

Linh mục Giuse Đặng Chí Lĩnh luôn thao thức trong vấn đề đào tạo ứng sinh (ảnh: Đình Quý)

 

Cùng mạch cảm xúc này, nữ tu Clementine Lưu Thị Nhiều, dòng Con Ðức Mẹ Bình Thủy, người đặc trách giảng dạy các chị em đệ tử và khấn sinh của hội dòng nhớ lại kỷ niệm: “Những khi giảng về Lòng Thương Xót Chúa, về các câu chuyện người thật việc thật, mình xúc động…, thi thoảng cũng không kiềm được nước mắt”. Ở cái tuổi về chiều, người nữ tu vẫn lặng lẽ dõi theo các em, âm thầm khuyên bảo.

NHỮNG NỖI LẮNG LO…

Mỗi giờ đứng lớp của các cha giáo là kết quả của cả một thời gian góp nhặt từ những chiêm niệm. Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy, cha giáo tại ÐCV Thánh Giuse Sài Gòn, phụ trách môn Thánh nhạc trong Phụng vụ chia sẻ, trước khi lên lớp, ngài dành nhiều phút cầu nguyện. Cha cũng không ngừng suy tư về việc làm sao để môn học trở nên hiệu quả, được các học viên áp dụng một cách đúng đắn. Bởi, đây là một môn học còn rất mới đối với các Ðại Chủng viện, lại là môn phụ trong chương trình giảng dạy, nhưng gắn bó suốt đời với linh mục. “Ðể hiểu được môn này và thực hành mục vụ hiệu quả, học viên đã phải nắm vững nhạc (nhạc lý, ký xướng âm, một chút hòa âm…) và hiểu biết căn bản về phụng vụ. Nắm vững nhạc để có thể thưởng thức cái hay của nhạc và lời ca, hiểu biết phụng vụ để hát thế nào mới đạt được mục đích tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu”, cha chia sẻ.

 

Linh mục  Nguyễn Duy, cha giáo tại ÐCV Thánh Giuse Sài Gòn, phụ trách môn Thánh nhạc

 

Còn cha Giuse Ðặng Chí Lĩnh, Trưởng ban Mục vụ ơn gọi TGP.TPHCM, giáo sư tâm lý và nhân bản thì thường xuyên thao thức làm sao để mỗi thầy trưởng thành và quân bình trên các phương diện nhân bản, tri thức, đời sống thiêng liêng. Cha cho biết: “Ðồng hành thiêng liêng là hoạt động rất cần thiết cho đời sống tu trì. Ngay từ những ngày đầu khi vừa vào học, các bạn phải được các cha gắn bó để truyền đạt, trao đổi để hiểu rõ hơn về tính tình, nhân cách”. Trong những chuyến sinh hoạt, mục vụ tại địa phương cùng các thầy, mỗi cha đều để ý, uốn nắn từng cử chỉ, hành động. Chính những hành trình đó là bài học quý cho lớp trẻ.

Ở các hội dòng, do có tính đặc thù về đường hướng mục vụ nên việc đào tạo ơn gọi cũng có những đòi hỏi riêng. Nữ tu bề trên dòng Nữ tử Thánh Phaolô Maria Trần Thị Ngát cho biết, linh đạo của dòng là dùng các phương tiện hiện đại để chăm lo mục vụ cho các cộng đoàn nên đòi hỏi các nữ tu phải không ngừng học hỏi, nỗ lực tiếp cận các phương tiện thông tin truyền thông, nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ của dòng. Với cha giáo Vinhsơn, dòng Carôlô Scalabrini, chuyên mục vụ cho các anh chị em di dân, nên quan tâm nhiều đến khả năng thích ứng của các ứng sinh trong mỗi hoàn cảnh: “Các ứng sinh được đào tạo để có khả năng chấp nhận những khác biệt văn hóa vùng miền để yêu mến những anh chị em di dân”. Nữ tu Rosa Nguyễn Nguyệt Bạch, dòng Chúa Chiên Lành, người có bề dày kinh nghiệm đồng hành cùng các chị em lỡ lầm lại rất quan tâm đến khả năng tự học hỏi của mỗi tu sĩ, bởi theo chị, nhà dòng có thể gởi đi học nhiều nơi để có thêm kinh nghiệm nhưng tất cả sẽ không đạt kết quả gì nếu như tu sĩ không biết tự tôi luyện.

Các chủng sinh ĐVC Sài Gòn tham dự môt buổi huấn đức

 

Sự quan tâm của những người thầy đồng hành làm các chủng sinh, tu sĩ vững bước hơn trong đời sống thánh hiến. “Mỗi cha giáo đều có những phong cách sống và giảng dạy khác nhau, đọng lại cho tôi nhiều bài học kỷ niệm trong những năm ÐCV. Có những khi, các cha la rầy nhưng nhờ đó giúp tôi trưởng thành hơn”, thầy Võ Duy Tân, ÐCV Thánh Quý Cần Thơ cảm nhận về những cha giáo của mình.

 

 

“Giáo Hội có trách nhiệm giáo dục với một lý do đặc biệt, không những vì Giáo Hội cũng là một cộng đồng nhân loại nên phải được thừa nhận là có khả năng giáo dục, nhưng nhất là vì Giáo Hội có nhiệm vụ loan báo cho mọi người con đường cứu rỗi, cũng như thông ban sự sống Chúa Kitô cho các tín hữu, và luôn quan tâm giúp họ đạt tới sự sống viên mãn trong Người. Bởi thế, Giáo Hội như người mẹ kiên quyết thực hiện một nền giáo dục để giúp cho đời sống con cái mình được thấm đẫm tinh thần của Chúa Kitô, đồng thời cũng cộng tác với mọi dân tộc để cổ vũ cho việc hoàn thiện hóa con người toàn diện, phục vụ lợi ích của xã hội trần thế và xây dựng một thế giới mang tính nhân bản hơn”  (Công đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 3).HÙNG LUÂN

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc