Năm điểm cần biết về chuyến đi Irak của Đức Phanxicô

Tuần này Đức Phanxicô sẽ bắt đầu chuyến tông du thứ 33 ra khỏi nước Ý. Ngài sẽ là giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến đất nước Irak từ ngày 5 đến 8 tháng 3 năm 2021. Đây là năm điểm chúng ta cần biết trong chuyến tông du này của ngài.


 Ảnh: Los Angeles Times

1- Irak: Đất nước Đức Gioan-Phaolô II hằng mong ước được đến thăm

Đức Phanxicô sắp thực hiện một trong các giấc mơ mà Đức Gioan-Phaolô II không thực hiện được. Trong Năm Thánh 2000, ngài mong được đến vùng Ur, cách Baghdad 300 cây số về phía nam, để đến cầu nguyện nơi Tổ phụ Áp-ra-ham đã sống. Vì lý do an ninh và chính trị, giấc mơ của ngài không thực hiện được. Một điều đau lòng mà Đức Phanxicô đã nghĩ đến. Vào đầu tháng hai, ngài nói với các nhà báo Mỹ, ngài cho biết người tiền nhiệm đã “khóc” vì đã không đặt chân lên vùng đất Mesopotamia. Ngài nói, ngài không muốn làm người dân Irak thất vọng thêm một lần nữa.

Đức ông Pascal Gollnisch, giám đốc Dịch vụ Đông phương vui mừng: “Đây là dấu chỉ phấn khởi cho thấy ngài sẽ có thể về thăm quê hương của Tổ phụ Áp-ra-ham hai mươi năm sau ước mong này của Đức Gioan-Phaolô II”. Vùng đất Ur là vùng đất quan trọng trong Lịch sử Cứu rỗi, nơi mà ba tôn giáo đơn thần nhận thấy họ có điểm chung kết hiệp họ với nhau, đó là thừa kế và linh đạo của Tổ phụ Áp-ra-ham. Và đây sẽ là một trong những điểm nổi bật của chuyến đi này.”

2- Chuyến tông du vào thời Covid-19

Ngày 26 tháng 11 năm 2019, Đức Phanxicô từ Nhật Bản và Thái Lan về Rôma. Không ai nghĩ ngài sẽ ngưng các chuyến tông du nước ngoài hơn một năm. Vài tuần sau là cuộc khủng hoảng Covid-19 xảy ra và đã chấm dứt mọi kế hoạch tông du, như chuyến đi Papua New Guinea và Indonesia đã phải bị hủy bỏ.

Với Đức Phanxicô, ngài sợ sự hiện diện của ngài sẽ tụ tập nhiều người, như thế sẽ làm dịch bệnh lây lan. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình tháng 1 vừa qua, ngài nói: “Lương tâm tôi không cho phép có những buổi tụ tập.” Ngài cũng đề cập đến khả năng hoãn chuyến đi Irak nếu tình hình sức khỏe yêu cầu.

3- Mười lăm giờ trên bầu trời, chín chuyến bay trong chương trình

Ở tuổi 84, Đức Phanxicô sẵn sàng cho chuyến tông du thứ 33 đầy mệt mỏi này. Gần đây ngài đã giảm các sinh hoạt vì đau thần kinh tọa, ngài sẽ phải lên xuống máy bay hoặc trực thăng 9 lần. Ngoài 3.000 cây số ngài phải đi từ Rôma đến Baghdad (6.000 cây số khứ hồi), trong nội địa Irak ngài sẽ di chuyển 1.500 cây số, mỗi lần ngài đều phải dùng đường hàng không.

Ngài sẽ đi máy bay trực thăng quân sự hai lần để đến thăm hai thành phố Mosul và Qaraqosh. Ở Iraq, chuyến bay dài nhất sẽ mất hơn một giờ (Baghdad – Erbil); và nhanh nhất là giữa Mosul và Qaraqosh, sẽ chỉ hai mươi phút. Chỉ trong bốn ngày nữa, Đức Giám mục giáo phận Rôma sẽ dành khoảng mười lăm giờ trên bầu trời mênh mông.

4- Điều kiện sức khoẻ và an toàn không chắc chắn

Dịch bệnh Covid đang gia tăng trở lại và các sự cố an ninh cũng rất nghiêm trọng… Có thể nói, chuyến tông du Irak diễn ra trong bối cảnh tế nhị nhất. Một quan sát viên am tường đánh giá: “Chúng ta khó có được một bối cảnh tốt nhất.” Về dịch bệnh Covid, mức lây lan đã ở điểm rất thấp vào giữa tháng 1 và biểu đồ này đã đổi ngược làm nhà chức trách lo lắng, họ đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt (giới nghiêm và cách ly các ngày thứ sáu, thứ bảy và chúa nhật cho đến hết chuyến thăm của giáo hoàng vào ngày 8 tháng 3).

Về mặt an ninh thì vụ đánh bom tự sát ở thủ đô Baghdad ngày 21 tháng 1 hay các cuộc tấn công bằng rốc-kết giữa tháng 2 ở vùng Erbil – nơi Đức Phanxicô sẽ dâng thánh lễ tại sân vận động -, cho thấy sự bất ổn của một đất nước đã nếm mùi khói súng qua bao nhiêu năm tháng.

Linh mục Dòng Đa Minh Olivier Poquillon, ở Mosul cho biết: “Dĩ nhiên bối cảnh rất đặc biệt, nhưng chúng ta nhớ, nếu Đức Phanxicô đến Irak là vì đất nước này rất đau khổ. Chúng ta biết, ở phương Đông, khi bạn muốn vinh danh ai, bạn không mời họ đến nhà mình, nhưng bạn đến nhà họ. Đó là điều mà Đức Phanxicô muốn làm: đến thăm thân nhân của ngài đang đau khổ.” Linh mục Poquillon nói tiếp: “Đó là ý nghĩa chuyến đi này, một chuyến đi của lòng nhân ái.”

5- Một cuộc gặp lịch sử

Cuộc gặp của Đức Phanxicô với ayatollah Ali al-Sistani, 90 tuổi, giáo chủ chiite cao nhất thế giới chắc chắn sẽ là trọng điểm của chuyến tông du này. Ngày 6 tháng 3, một ngày sau khi đến Irak, Đức Phanxicô sẽ gặp ayatollah al-Sistani ở ngôi nhà khiêm tốn của giáo chủ ở Najaf, một thành phố thiêng liêng của hồi giáo chiite, nơi có lăng mộ của Imam Ali.

Chúng ta không mong chờ có một bản tuyên bố chung vào cuối cuộc họp – như trường hợp giữa Giáo hoàng và Sheikh Ahmed al-Tayyeb thuộc hồi giáo sunnite, Đại học Al-Azhar, Cairo năm 2019 – nhưng cuộc gặp này có ý nghĩa rất quan trọng. Linh mục Christopher Clohessy, tiến sĩ tại Giáo hoàng Học viện về Ả Rập và Hồi giáo (PISAI ) cho biết: “Với người hồi giáo chiite, ngày nay trở thành nhóm thiểu số, thì cuộc gặp của Đức Phanxicô mang một ý nghĩa nền tảng, điều này có nghĩa từ nay toàn bộ gia đình hồi giáo được tôn trọng.” Linh mục Clohessy là chuyên gia lỗi lạc về hồi giáo nhấn mạnh: “Bằng cử chỉ này, Đức Phanxicô đã gởi một thông điệp cho người hồi giáo chiite để nói với họ, họ không bị lãng quên và đảm bảo với họ, họ là một phần không thể thiếu của tiến trình đối thoại và hòa bình trên thế giới.”

Marta An Nguyễn dịch

(phanxico.vn 02.03.2021/ cath.ch, 2021-03-01)