Mười điều răn của Đức Phanxicô gởi các sứ thần Tòa Thánh

Ngày thứ năm 13 tháng 6, Đức Phanxicô tiếp các đại diện Tòa Thánh ở Phòng Clémentine của Dinh Tông Tòa, ngài đưa ra các điều lệ về thái độ và hành vi của một sứ thần phải theo.

Để trả lời các câu hỏi của các sứ thần, Đức Phanxicô đã đưa bản “điều lệ” ngài đã soạn sẵn nói về các thái độ và cách ứng xử của một nhà ngoại giao Tòa Thánh. 

1/ Sứ thần là người của Chúa

Một sứ thần phải cam kết theo Chúa “trong tất cả và cho tất cả”. Trong một tinh thần quảng đại, người sứ thần phải chấp nhận khó khăn do đức tin gây ra. Không được để “tinh thần thế gian” thắng thế, nhưng luôn giữ tâm hồn dành cho những người kém may mắn, lắng nghe mà không phán xét. Nếu sứ thần không giữ nguyên tắc này thì họ “làm hại chính họ và người khác, đi lệch đường và làm hại Giáo hội”.

2/ Sứ thần là người của Giáo hội

Theo Đức Phanxicô, người đại diện Tòa Thánh là “người tôi tớ xấu” khi họ ngược đãi các cộng sự viên và nhân viên mà theo lẽ họ phải đối xử như “người cha, người mục tử”. Ngài nói tiếp: “Thật xấu khi thấy sứ thần đi tìm xa hoa, y phục và vật dùng hàng hiệu”. Là người của Giáo hội phải sống khiêm tốn, phải can đảm bảo vệ những gì mình giảng dạy, phải phát triển tình thân hữu với cộng đoàn địa phương vì đó là gia đình mình.

3/ Sứ thần là người sốt sắng làm việc tông đồ

Trước hết, nhà ngoại giao Tòa Thánh là người loan báo Tin Mừng. Nhiệm vụ chính của sứ thần là vinh danh Chúa, tránh nguội lạnh, tránh “các tính toán chính trị, ngoại giao” cũng như lối nói cho đẹp lòng mọi người. Theo Đức Phanxicô, chỉ có lòng nhiệt thành làm việc tông đồ mới tránh được “nạn ung thư vì tuyệt vọng”. 

4/ Sứ thần là người giải hòa, luôn “công minh và khách quan”. Nếu sứ thần khép kín mình trong tòa sứ thần thì sẽ “phản bội” sẽ là “trở ngại” cho sứ mạng hòa giải của mình. Trên thực tế, sứ thần phải là “hình ảnh công giáo, phổ quát” của Giáo hội bên cạnh các cộng đoàn địa phương.

5/ Sứ thần là người của giáo hoàng

Đây là “điều răn” được Đức Phanxicô triển khai dài nhất. Ngài công nhận, ai cũng có các dè dặt riêng hay thiếu thiện cảm, nhưng một sứ thần không thể là người đạo đức giả, vì sứ thần là cầu nối giữa người đại diện Chúa Kitô và những người mình gặp. Sứ thần phải luôn “mềm dẽo, sẵn sàng, khiêm tốn, có tinh thần nghề nghiệp cao” và chấp nhận một đời sống nay đây mai đó. Sứ mạng của sứ thần là đến nơi mà giáo hoàng không thể đến.

Cũng không “thích ứng” nếu sứ thần chỉ trích giáo hoàng sau lưng, có “blog hay đôi khi tham dự vào các nhóm nghịch với Giáo triều, với Giáo hội La Mã”. Nếu Đức Phanxicô không nhắc đến tên ai, nhưng rõ ràng đây là trường hợp sứ thần Carlo Maria Viganò, sứ thần tại Mỹ từ năm 2011 đến năm 2016, tác giả của nhiều bài khẳng định giáo hoàng và Giáo triều đã biết các vụ lạm dụng của hồng y McCarrick từ lâu. 

6/ Sứ thần là người của sáng kiến

Nếu sứ thần phải thích ứng với các đòi hỏi thì họ phải từ chối sự “cứng nhắc” về mặt tinh thần, thiêng liêng và nhân bản như thái độ giả hình của con tắc kè. Sứ thần phải là người “tích cực hiếu kỳ, đầy năng động”. Đứng trước nghịch cảnh, họ không bối rối, nhưng phản ứng trong tinh thần tích cực và bình thản. Thái độ này đòi hỏi phải theo Chúa Kitô và các thánh Tông đồ.

7/ Sứ thần là người tuân phục

Theo Đức Phanxicô, chỉ có tự do mới có thể thật sự tuân phục và chỉ có tuân phục Tin Mừng mới làm cho mình tự do thật sự. Theo ngài, “tuân phục Chúa không thể tách ra việc tuân phục Giáo hội và cấp trên”. Một sứ thần không sống theo đức tính này là “làm chứng ngược”, dù trái với cái nhìn riêng của mình.

8/ Sứ thần là con người của cầu nguyện

Đức Phanxicô nhắc đến ý của Đức Phaolô-VI (1963-1978), “gia tài quý nhất” của các sứ thần là Chúa Kitô, các sứ thần phải hiệp thông, loan báo và giới thiệu Chúa Kitô. Như thế cầu nguyện là “lương thực” hàng ngày. Không có đời sống cầu nguyện thì sẽ không rọi sáng những gì mình làm, các đại diện Tòa Thánh chỉ là những “công chức bình thường, luôn bất bình và bất mãn”.

9/ Sứ thần là người của đức ái năng động

Để thực hiện ơn gọi “người cha và mục tử”, nhà ngoại giao phải thực hiện các công việc bác ái, đặc biệt cho những người nghèo nhất, những người sống bên lề. Đức bác ái này phải “nhưng không”, nhất là đối với các món quà. Đức Phanxicô xin các sứ thần không được nhận các món quà đắt tiền hoặc họ phải cho vào các công việc từ thiện. “Nhận quà đắt tiến không bao giờ biện minh cho việc dùng nó”.

10/ Sứ thần phải là người khiêm tốn

“Điều răn” cuối cùng là sống khiêm tốn như hồng y Rafael Merry del Val (1865-1930) đã viết trong “kinh cầu khiêm tốn” của mình, ngài là sứ thần và là hồng y Quốc Vụ Khanh. Kinh cầu này gồm 16 lời cầu xin thoát khỏi các cám dỗ danh dự, ưu tiên, kính trọng hay sợ sỉ nhục, các lời cầu xin khác giúp để phục vụ người khác thay vì cho chính mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch (phanxico.vn)