Mùa Vọng & Giáng Sinh: 72 Câu hỏi đáp

Mùa Vọng & Giáng Sinh 72 Câu hỏi đáp

01. Hỏi : Phụng Vụ là gì ?

Thưa : Là việc phụng thờ chính thức và công khai của Hội thánh (như cử hành Thánh lễ, các Bí tích và phụng vụ các giờ kinh).

02. Hỏi : Phụng Vụ gồm những việc gì ?
Thưa : Phụng Vụ gồm những việc Cử hành Thánh Lễ, các Bí Tích và Phụng Vụ Các Giờ Kinh.

03. Hỏi : Năm Phụng vụ là gì ?
Thưa : Là thời gian một năm, trong đó Hội Thánh mừng các biến cố trọng đại của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Các Thánh.

04. Hỏi : Năm Phụng vụ là quảng thời gian một năm, trong đó Hội Thánh mừng các biến cố trọng đại của ai?
Thưa : Của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Các Thánh.

05. Hỏi : Năm Phụng vụ có mục đích gì?
Thưa : Có mục đích giúp người tín hữu hiểu và sống các mầu nhiệm trong đạo cách thiết thực hơn.

06. Hỏi : Hội Thánh chia năm Phụng vụ thành mấy mùa ?
Thưa : 5 mùa.

07. Hỏi : Hội Thánh chia năm Phụng vụ thành 5 mùa. Đó là những mùa nào ?
Thưa : Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, và Mùa Thường Niên.

08. Hỏi : Tại sao Hội Thánh chia năm Phụng vụ thành các mùa ?
Thưa : Vì Hội Thánh muốn triển khai trọn vẹn Mầu Nhiệm Chúa Kitô qua chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh đến Thăng Thiên, Hiện Xuống và ngày Chúa Kitô quang lâm.

09. Hỏi : Mùa Vọng có những đặc tính nào?
Thưa : Có hai đặc tính:
– Một là thời gian chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người.
-Hai là cơ hội để các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế.

10. Hỏi : Mùa Vọng gồm bao nhiêu tuần ?
Thưa : Mùa Vọng gồm 4 tuần

11. Hỏi : Mùa Vọng bắt đầu và kết thúc khi nào ?
Thưa : Mùa Vọng bắt đầu từ Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng và kết thúc vào trước giờ kinh chiều ngày lễ Vọng Chúa Giáng Sinh (24/12).

12. Hỏi : Màu Phụng vụ của mùa vọng là màu gì?
Thưa : Màu tím.

13. Hỏi : Màu tím biểu tượng của sự gì ?
Thưa : Màu tím biểu tượng của sự ăn năn, thống hối.
 

14. Hỏi : Chúa Nhật III Mùa Vọng gọi là Chúa Nhật gì ?
Thưa : Là Chúa Nhật HÃY VUI LÊN

15. Hỏi : Chúa Nhật III Mùa Vọng gọi là Chúa Nhật HÃY VUI LÊN mời gọi mọi tín hữu điều gì ?
Thưa : Hưởng niềm vui thầm kín và an lành trong niềm trông đợi Đấng Cứu Tinh.

16. Hỏi : Trong Mùa Vọng, người tín hữu phải sống tâm tình nào ?
Thưa : Tâm tình sám hối và hân hoan mong đợi Đấng Cứu Thế.

17. Hỏi : Sống trong tâm tình hướng về ngày Chúa đến buộc chúng ta phải làm gì ?
Thưa : Tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng như người tôi trung.

18. Hỏi : Theo truyền thống Đức Giáo hoàng nào là người thiết lập thực sự Mùa Vọng La Mã ?
Thưa : Đức Giáo hoàng nào Grêgôriô Cả (qua đời năm 604)

19. Hỏi : Hội Thánh đặt lễ Giáng Sinh vào đúng ngày 25-12, ngày người ngoại giáo cử hành lễ mừng Ánh sáng để công bố điều gì?
Thưa : Để công bố chính Đức Giêsu Kitô mới thực là Ánh sáng, là Mặt trời soi sáng thế gian.

20. Hỏi : Cây Giêsê nhắc chúng ta nhớ tới điều gì?
Thưa : Cây Giêsê nhắc chúng ta nhớ tới gia phả Đức Kitô (x. Mt 1:1+). Cây Giêsê là biểu tượng gia phả Chúa Giêsu, liên quan Kinh thánh với lịch sử cứu độ, từ khai thiên lập địa tới Đức Kitô.

21. Hỏi : Vị thánh nào được xem như là Ông già Nôen?
Thưa : Thánh Nicolas.

22. Hỏi : Nhân vật nào được Thánh Kinh nhắc đến nhiều trong Mùa Vọng như là người đi trước chuẩn bị cho Chúa đến ?
Thưa : Là Thánh Gioan Tẩy Giả, được Thiên Chúa sai đi trước dọn đường cho Chúa Giêsu.
 

23. Hỏi : Cha mẹ của ông Gioan Tẩy Giả là ai ?
Thưa : Cha mẹ của ông Gioan Tẩy Giả là ông Dacaria và bà  Êlisabét.

24. Hỏi : Mùa Giáng Sinh bắt đầu từ lễ Chúa Giáng Sinh và kết thúc khi nào ?
Thưa : Đến lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

25. Hỏi : Mùa Giáng Sinh có đặc tính nào ?
Thưa : Kính nhớ Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh và lần tỏ mình đầu tiên của Người.

26. Hỏi : Nguồn gốc Lễ Giáng Sinh là lễ nào ?
Thưa : Nguồn gốc lễ Giáng Sinh là lễ thờ thần mặt trời.

27. Hỏi : Mùa Giáng Sinh còn được ghi dấu bằng những lễ nào khác ?
Thưa : Một là lễ Kính Thánh Gia thất.
– Hai là lễ Maria Mẹ Thiên Chúa.
– Ba là lễ Hiển Linh.

28. Hỏi : Vua Do thái thời Chúa Giêsu sinh ra là ai?
Thưa : Vua Do thái thời Chúa Giêsu sinh ra là vua Hêrôđê Cả (Mt 2,1-12)

29. Hỏi : Hoàng đế Lamã thời Chúa Giêsu sinh ra là ai?
Thưa : Hoàng đế Lamã thời Chúa Giêsu sinh ra là hoàng đế Augúttô (Lc 2,1-20)

30. Hỏi : Những người từ phương Đông đến thờ lạy Hài nhi Giêsu là ai ?
Thưa : Những người từ phương Đông đến thờ lạy Hài nhi Giêsu là các nhà chiêm tinh (Mt 2,1-12)
 

31. Hỏi : Dấu hiệu nào dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến thăm Hài Nhi ?
Thưa : Một ngôi sao lạ xuất hiện tại phương Đông (Mt 2,1-12).

32. Hỏi : Các nhà chiêm tinh dâng cho Chúa Hài Nhi những gì ? (Mt 2,1-12)
Thưa : Các nhà chiêm tinh dâng cho Hài Nhi : Vàng, Nhũ Hương và Mộc Dược.

33. Hỏi : Các nhà chiêm tinh dâng cho Hài Nhi vàng ám chỉ điều gì ? (Mt 2,1-12)
Thưa : Ám chỉ Hài Nhi là Vua.

34. Hỏi : Các nhà chiêm tinh dâng cho Hài Nhi nhũ hương ám chỉ điều gì ? (Mt 2,1-12)
Thưa : Ám chỉ Hài Nhi là Thiên Chúa.

35. Hỏi : Các nhà chiêm tinh dâng cho Hài Nhi mộc dược ám chỉ điều gì ? (Mt 2,1-12)
Thưa :  Ám chỉ Hài Nhi là con người.

36. Hỏi : Nơi Hài nhi Giêsu sinh ra đâu ?
Thưa : Nơi Hài nhi Giêsu sinh là Bêlem (Mt 2,1-12)

37. Hỏi : “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen – dân Ta, sẽ ra đời”. Lời ngôn sứ nào đã tiên báo ?
Thưa : Lời ngôn sứ Mikha (Mt 2,1-12)(Mikha 5,1)

38. Hỏi : “Emmanuen” có nghĩa là gì ? (Mt 1,18-25)
Thưa :  Là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”

39. Hỏi : Ông bà ngoại của Chúa Giêsu là ai ?
Thưa :  Là ông Gioakim và bà Anna.

40. Hỏi : Thiên Chúa đã tiếp xúc với thánh Giuse bằng cách nào ?
Thưa :  Thiên Chúa dùng các giấc mộng để tỏ ra ý định của Ngài.

41. Hỏi : Sứ thần Gáprien nói với tư tế Dacaria về Gioan, con trẻ sẽ đầy thần khí và quyền năng của ai ?
Thưa :  Đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia (Lc 1,5-25)

42. Hỏi : Mẹ của thánh Gioan Tẩy giả tên là gì ?
Thưa :  Là bà Êlisabét (Lc 1,5-25)

43. Hỏi : Cha của thánh Gioan Tẩy giả tên là gì ?
Thưa :  Là ông Dacaria (Lc 1,5-25)
 

44. Hỏi : Thánh Gioan lớn hơn Đức Giêsu bao nhiêu tháng ?
Thưa :  6 tháng (Lc 1,26-38)

45. Hỏi : Sứ thần đã truyền tin cho Đức Maria tên là gì ?
Thưa :  Sứ thần Gáprien (Lc 1,26-38)

46. Hỏi : Sứ thần Gáprien đến với Đức Maria tại thành nào ?
Thưa : Thành Nadarét (Lc 1,26-38)

47. Hỏi : Tên mà sứ thần Gáprien báo cho Đức Maria biết con trẻ sẽ sinh ra là gì ?
Thưa : Là Giêsu (Lc 1,26-38)

48. Hỏi : Đức Giêsu sẽ thừa hưởng ngai vàng của ai ?
Thưa : Của vua Đavít (Lc 1,26-38)

49. Hỏi : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Lời chúc mừng Đức Maria này là của ai ?
Thưa : Của Sứ thần Gáprien (Lc 1,26-38)

50. Hỏi : “Người sẽ ngự xuống trên Đức Maria và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà.” Người là ai ?
Thưa : Là chính Chúa Thánh Thần (Lc 1,26-38)

51. Hỏi : Người chị họ của Đức Maria tên là gì ?
Thưa :  Là Bà Êlisabét (Lc 1,9-45)

52. Hỏi : Tên của đứa trẻ, con của tư tế Dacaria và bà Êlisabét là gì ?
Thưa :  Là Gioan (Lc 1,59-66)

53. Hỏi : Sau khi sinh được bao ngày thì người ta đặt tên cho con trẻ ?
Thưa :  8 ngày (Lc 1,59-66)

54. Hỏi : Theo Thánh sử Mátthêu, Người sinh ra ông Giuse, chồng của bà Maria tên là gì ?
Thưa :  Ông Giacóp (Mt 1,1-17)

55. Hỏi : Người đã thành hôn với Đức Maria tên là gì ?
Thưa : Ông Giuse (Mt 1,1-17)
 

56. Hỏi : “Emmanuen” được ngôn sứ nào tiên báo ?
Thưa : Ngôn sứ Isaia (Mt 1,18-25)(Is7,14)

57. Hỏi : Tổng trấn thời Chúa Giêsu sinh ra tên là gì ?
Thưa : Tổng trấn Quiriniô (Lc 2,1-20)

58. Hỏi : Với những người chăn chiên, sứ thần Chúa nói : “Hôm nay, một Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành nào, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.”
Thưa :  Thành vua Đavít (Lc 2,1-20).

59. Hỏi : Với những người chăn chiên, sứ thần Chúa nói : “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người, anh em sẽ gặp thấy 1 trẻ sơ sinh bọc tả, nằm ở đâu ?
Thưa :  Nằm trong máng cỏ (Lc 2,1-20).

60. Hỏi : Tại đền thờ, vị ngôn sứ nào đã nói với Đức Maria : “Còn chính bà, 1 lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà.” ?
Thưa : Ông Siméon (Lc 2,33-35).

61. Hỏi : Nữ ngôn sứ đã gặp Hài Nhi và 2 ông bà trong Đền Thờ Giêrusalem tên là gì ?
Thưa : Bà Anna (Lc 2,36-38).

62. Hỏi : Chi tộc của nữ ngôn sứ Anna, người đã gặp Hài Nhi Giêsu  trong Đền Thờ là gì ?
Thưa : Chi tộc Asê (Lc 2,36-38)

63. Hỏi : Theo luật dạy rằng : “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa truyền, là 1 đôi chim gáy hay là gì ?
Thưa : 1 cặp bồ câu non (Lc 2,23-24).

64. Hỏi : Người đã tìm giết Hài Nhi Giêsu là ai?
Thưa : Vua Hêrôđê Cả (Mt 2,13-18).

65. Hỏi : Đất nước nào Hài Nhi Giêsu cùng gia đình lánh nạn?
Thưa : Nước Ai Cập (Mt 2,13-18).

66. Hỏi : “Ta gọi Con Ta ra khỏi Ai Cập”. Đây là lời ngôn sứ nào?
Thưa : Đây là lời ngôn sứ Hôsê (11,1)(Mt 2,13-18)

67. Hỏi : Người cai trị miền Giuđê sau khi vua Hêrôđê Cả băng hà là ai ? (Mt 2,19-23)
Thưa : Vua Hêrôđê Áckhêlao (Mt 2,19-23)

68. Hỏi : Thành mà gia đình thánh gia cư ngụ sau khi từ Ai cập trở về là thành nào ?
Thưa : Thành Nadarét (Mt 2,19-23)

69. Hỏi : Ông Giuse và bà Maria lạc mất Chúa Giêsu vào năm Người được bao nhiêu tuổi ?
Thưa : Năm Chúa Giêsu lên 12 tuổi (Lc 2,41-50)

70. Hỏi : Năm 12 tuổi, Đức Giêsu cùng với hai ông bà lên Đền Thờ Giêrusalem mừng lễ gì và 2 Ông bà đã lạc mất Người ở đó ?
Thưa : Lễ Vượt Qua (Lc 2,41-45)

71. Hỏi : Khi thấy Chúa Giêsu ngồi giữa các bậc thầy, người liền nói : “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con !” Người đã nói câu này là ai ?
Thưa : Của Đức Maria, Mẹ Người  (Lc 2,41-50)

72. Hỏi : Tại Đền Thờ, khi thấy Đức Giêsu ngồi giữa các bậc thầy, 2 ông bà sửng sốt. Song Đức Giêsu nói câu gì?
Thưa : “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha Con sao ?” (Lc 2,41-50)

GB. NGUYỄN THÁI HÙNG