Lời Chúa: Thứ Năm Tuần I Mùa Chay

Tông tòa Phêrô

Thứ Năm Tuần I Mùa Chay, Lập tông tòa Thánh Phêrô (K)

Lời Chúa: Mt 16,13-19

Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai ?” Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giê-su lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)

Kết quả hình ảnh cho chúa nhật 21 thường niên nămSuy niệm:
Ngày 22.2 Kính Tòa Thánh Phêrô : Mt 16,13-19
* LỊCH SỬ

Trong thế giới ngoại giáo ở Rô-ma, thời gian từ ngày 13 đến ngày 23 tháng 2, dân chúng thường nhớ đến những thân nhân quá cố. Trong những ngày này, gia đình bày thức ăn, tưởng niệm người quá cố, sau đó cùng quây quần dự tiệc này; đặc biệt, người ta dành một ghế trống cho người quá cố. Cộng đoàn tín hữu ở Rô-ma cũng sử dụng thời gian này để tưởng nhớ Thánh Phê-rô, người cha niềm tin của họ.
Đến thế kỷ thứ IV, Hội Thánh phủ nhận tiệc người quá cố và đưa đến kết quả là người ta hiểu Ngai Toà của Phê-rô là ghế giảng dạy, biểu trưng cho quyền giáo huấn của ngài.
Đối tượng thánh lễ này không phải là cái ghế, nhưng là việc Phê-rô nhận lấy ghế giám mục ở Rô-ma, hay đúng hơn : việc Chúa gọi Phê-rô cầm giữ chức vụ giáo huấn trên toàn Hội Thánh.
Một thánh lễ về ngai toà của thánh Phê-rô được mừng vào ngày 18 tháng Giêng tại nước Pháp từ thế kỷ thứ 7. Giáo Hội Rô-ma cũng đón nhận thánh lễ này, nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tổng hợp hai thánh lễ này lại thánh lễ ngày hôm nay. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
A. Hạt giống…
Đoạn này cho thấy 3 mức độ hiểu biết về Chúa Giêsu :
1. Mức độ của dân chúng : nếu chỉ thấy những việc Chúa Giêsu làm và nghe những lời Ngài dạy mà không suy nghĩ thêm thì người ta chỉ biết Ngài là một ngôn sứ thôi.
2. Mức độ của Phêrô : được ơn Chúa soi sáng, Phêrô hiểu Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng nếu ơn soi sáng của Thiên Chúa không có sự hợp tác là sự “đi theo” của con người thì dù có hiểu biết Chúa Giêsu, con người vẫn có thể phản đối và cản bước Thiên Chúa (x. Các câu phía sau : cc 21-23)
3. Mức độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ : hiểu biết Chúa Giêsu cộng thêm sự từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.
B…. nảy mầm.

1. Tôi hiểu biết Chúa Giêsu tới mức độ nào :
– Coi Ngài là một ngôn sứ. Do đó tôi chỉ liên hệ với Ngài để xin ơn ?
– Coi Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là lẽ sống đời tôi, nhưng lại sợ khó, ngại khổ ?
– Sẵn sàng bỏ tất cả và vác thập giá đi theo Ngài ?
2. “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” : cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội.
3. Chúng ta có nhiều cách để khước từ thập giá : khi không tiếp nhận cuộc sống như một ơn ban, khi chỉ bị quay nhìn về các biến cố và con người, khi bán đứng lương tâm vì chút lợi lộc vật chất, khi đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin kitô trong từng phút giây cuộc sống. (“Mỗi ngày một tin vui”)
4. Ngày kia vị hoàng đế nọ tập trung các nghệ nhân trong vương quốc mình lại và tổ chức cuộc thi đua. Đề tài của cuộc thi đua là: Mô tả dung mạo của hoàng đế.
Khi thời hạn ấn định đã đến, Hoàng đế ra lệnh cho các nghệ sỹ trưng bày các tác phẩm của họ. Hoàng đế trầm trồ ca ngơi bức chân dung của mình do các họa sỹ Ấn độ vẽ. Khi đến pho tượng của người Ai cập và các mô hình của người Armanie, Hoàng đế càng tỏ ra thán phục hơn. Sau cùng, khi đến gian phòng trưng bày của người Hy lạp, Hoàng đế chỉ thấy vỏn vẹn bức tường bằng cẩm thạch, nhưng mặt tường được đánh bóng đến độ nhìn vào đó, Hoàng đế thấy hiện nguyên hình gương mặt của chính mình. Và đoạt được giải chính là người Hy Lạp này, bởi vì đây là quan điểm của họ: Chỉ có Hoàng đế mới có thể họa được khuôn mặt của chính mình!
Họa lại khuôn mặt của Đức Kitô, đó là mục đính của Giáo hội. Và như nhà danh họa kiêm điêu khắc Michel Ange đã nói: “Để tạo một bức tượng, điều quan trọng chính là những gì phải được gạt bỏ!”. Muốn họa lại được khuôn mặt của Đức Kitô, Giáo hội phải đánh bóng bức tường khuôn mặt của mình, và loại bỏ đi những gì còn sần sùi, thừa thãi.
5. Ông Simon Phêrô thưa : “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16)
Hằng ngày tôi phải đối mặt với biết bao vấn đề, biết bao chuyện mà Thiên Chúa đòi tôi phải làm chứng cho Ngài. Trước bao vấn đề cần sự can thiệp của tôi : kỷ luật trong lớp học, dàn hoà một cuộc cãi nhau hay một xích mích, giúp đỡ kẻ nghèo… Tôi chỉ biết suy nghĩ cách giải quyết này đến cách giải quyết khác. Tất cả chỉ là những lý tưởng. vì chúng chỉ lẩn quẩn trong đầu tôi mà không thể đi tới hành động.
Ông Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng khi chối Chúa 3 lần, ông đã không dám dấn thân đến cùng cho niềm tin. Và đức tin không có việc làm là đức tin chết !
Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Người, để con mạnh dạn tuyên xưng Chúa bằng chính hành động của con. (Hosanna)
6. “Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18)
Tôi không hiểu tại sao Chúa lại chọn ông Simon, một ngư phủ ít học và đã chối Chúa đến 3 lần, làm giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao Chúa lại xây Giáo Hội trên một tảng đá chênh vênh như vậy.
Chỉ biết là gần 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn đứng vững. Hẳn không phải vì Giáo Hội là một tổ chức ưu việt nhưng chỉ vì Chúa muốn thế. Và Ngài muốn Giáo Hội được vững bền để nhân loại được cứu rỗi. Ngài dùng quyền năng của Ngài để bảo vệ Giáo Hội, để qua Giáo Hội tôi đón nhận được đức tin ; trong Giáo Hội tôi được nuôi dưỡng đức tin ; và cùng với Giáo Hội tôi thông truyền đức tin cho mọi người.
Tôi yêu mến Chúa và yêu mến Giáo Hội của Ngài. Cùng với Chị Têrêxa Hài đồng, trong lòng Mẹ Hội Thánh, tôi xin làm tình yêu. Tình yêu đã khiến cho bao thế hệ tông đồ lên đường, cho bao anh hùng xả thân tử đạo, cho bao người dấn thân cho công bằng xã hội, cho bao người trẻ hiến thân làm tông đồ cho giới trẻ hôm nay.
Xin Chúa gìn giữ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và các mục tử của Giáo Hội trong tình yêu và ân sủng của Ngài (Epphata)