Lời Chúa: Thứ Hai tuần thứ II Mùa Phục Sinh Năm A

Sự cần thiết phải sinh lại

 
 
Thứ Hai sau Chúa Nhật II Phục Sinh
Lời Chúa: 

Ga 3,1-8

1Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Dothái.2Ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.”

3Đức Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” 4Ông Nicôđêmô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao? “

5Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. 6Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. 7Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. (Ga 3, 3)

 
Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt Giống…)

Phụng vụ dùng cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô làm bài giáo lý thứ nhất, dạy về Bí tích Rửa Tội (Bí tích Tái sinh).

Bài Tin Mừng hôm nay dạy về sự cần thiết phải sinh lại:

Nicôđêmô là “một đầu mục của người Do Thái”. Nghĩa là về mặt xã hội ông là một bậc cao niên đáng  kính, về mặt tôn giáo ông là người có học thức và đạo đức. Dù vậy ông vẫn tìm đến Chúa Giêsu để học hỏi thêm.

Điều đầu tiên Chúa nói với ông là sự cần thiết phải sinh lại: “Thật, tôi bảo cho các ông biết: Nếu ai không sinh lại bởi ơn trên thì chẳng thấy nước Thiên Chúa”.

“Sinh lại” không theo nghĩa thể lý ( “Một người đã già làm sao có thể sinh lại? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?”), mà theo nghĩa thiêng liêng (“sự gì sinh bởi huyết nhục thì là huyết nhục, và sự gì sinh bởi thần linh thì là thần linh”).

B. Suy niệm (… nảy mầm…)

1. Maurice Zundel đã viết: “Chúng ta không sinh ra đã thành con người (…) Con người có bổn phận phải thành người (…) sách Tin Mừng nói “phải sinh lại”. Có một lần sinh thứ hai, đó là sinh con người, sinh phẩm cách, sinh tính bất khả xâm phạm, sinh sự trường tồn bất tử, lần sinh mà không có, nó không thể thành người” (Trích “sự hiện diện khiêm hạ”).

2. Một người như Nicôđêmô vừa cao niên, vừa thông thái, vừa đạo đức, thế mà Chúa Giêsu bảo ông cần phải sinh lại. Huống chi là tôi, bởi vì trong tôi hiện giờ còn rất nhiều điều chưa đáng là người, đó là chưa xét đến có đáng là Kitô hữu hay không.

3. Bí tích Rửa tội đã sinh lại tôi thành người con Chúa. Nhưng “làm con Chúa” chỉ mới là một hạt giống, tôi cần phải vun trồng cho phát triển thành cây. Huống chi người “con của Chúa” ấy với thời gian đã bị người “con của thế gian” chèn ép khiến trở nên èo uột, méo mó. Bởi vậy tôi cần phải sinh lại lần nữa.

4. Một nhà đại thần bí Ấn Độ nói về chính mình: “Tôi là một nhà cách mạng khi còn trẻ, và tất cả những gì tôi cầu nguyện với Chúa là: “Lạy Chúa, xin cho con quyền lực để cải tạo Thế Giới”.

Khi đến tuổi trung niên, tôi nhận ra rằng nửa cuộc đời qua đi mà không một tâm hồn nào được thay đổi. Tôi đổi lại lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con thiện chí để hoán cải tất cả những người tiếp xúc với con”.

Bây giờ tôi đã già và gần kết thúc cuộc đời, tôi cảm thấy mình ngu dại biết bao. Lời cầu nguyện của tôi bây giờ là: “Lạy Chúa, xin cho con thiện trí để hoán cải chính con”. Nếu tôi xin điều này ngay từ đầu tôi đã không lãng phí cuộc đời. (Góp nhặt).

5. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.

Một buổi chiều năm 1953, các kí giả và mọi người tập trung ở nhà ga xe lửa ở Chicago để chào đón người được giải Nobel Hòa Bình 1952. Các nhân vật cao cấp của thành phố dang rộng tay để chúc mừng vị thượng khách.

Ông cám ơn mọi người, rồi đưa mắt nhìn quanh sân ga. Bất chợt, ông xin kiếu mọi người rồi băng qua đám đông, tiến thẳng đến đỡ một cụ già không quen biết với chiếc vali nặng trên tay bà. Ông mỉm cười dẫn bà lên xe và không quên chúc bà thượng lộ bình an. Quay lại với đám đông, ông xin lỗi vì bắt họ phải chờ đợi! Người được giải thưởng đó chính là bác sĩ Albert Schweitzer, nhà truyền giáo nổi tiếng đã hi sinh cả cuộc đời cho những người nghèo tại Châu Phi. Thấy thế, một người đã thốt lên: “Lần đầu tiên tôi nghe được một bài giảng biết đi”.

Là một Kitô hữu tôi phải loan báo Tin Mừng và phải là “những bài giảng sống động và biết đi” về tình yêu Thiên Chúa.

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, xin cho con không chỉ loan báo Lời Chúa bằng những lời nói suông nhưng bằng những nghĩa cử, bằng cả cuộc sống của con. (Epphata).

Xin mời xem thêm:

BÀI ĐỌC I: Cv 4, 23-31

“Khi họ cầu nguyện xong, thì được đầy Thánh Thần và tin tưởng rao giảng lời Chúa”

Bài trích sách Tông đồ Công vụ

Trong những ngày ấy, sau khi được phóng thích, Phêrô và Gioan trở về cùng các anh em, và thuật lại cho họ nghe tất cả những điều mà các thượng tế và kỳ lão đã nói.

Vừa nghe thuật lại, họ đồng thanh cất tiếng nguyện cùng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa là Đấng tạo thành trời đất, biển cả và mọi vật trong đó. Nhờ Thánh Thần, Chúa đã dùng miệng tổ phụ chúng con là Đavít tôi tớ Chúa mà phán: “Tại sao chư dân chấn động, và các nước lại mưu đồ chuyện luống công? Các vua thiên hạ đều nổi dậy, các thủ lãnh toa rập với nhau chống lại Chúa và Đấng Kitô của Người”. Vì quả thật, tại thành Giêrusalem này, Hêrôđê và Phongxiô Philatô đã liên kết với các dân ngoại và dân Israel, mà chống lại tôi tớ thánh của Chúa là Đức Giêsu, Đấng Chúa đã xức dầu, để thực hiện những điều mà quyền năng và ý định Chúa đã dự liệu từ trước. Và lạy Chúa, giờ đây, hãy xem họ đang đe doạ, và xin ban cho các tôi tớ Chúa được đầy lòng tin tưởng rao giảng lời Chúa, cùng xin Chúa giơ tay chữa lành các bệnh nhân, làm những dấu lạ, và những việc phi thường nhân danh Thánh Tử của Chúa là Đức Giêsu”.

Khi họ cầu nguyện xong, thì nơi họ đang tập họp liền chuyển động, mọi người được tràn đầy Thánh Thần và tin tưởng rao giảng lời Thiên Chúa.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)