Lời Chúa: Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm A

Anh em sửa lỗi cho nhau

Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
 
 Mt 18,15-20

15 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. 16 Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. 17 Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

18 “Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.

19 “Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. 20 Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.

“Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi…” (Mt 18,15)

 Suy niệm: 

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

“Nhân vô thập toàn”, nghĩa là không ai trọn tốt trọn lành, nhưng ai cũng có lỗi lầm và khuyết điểm. Nếu đố kỵ nhau thì những lỗi lầm và khuyết điểm của những cá thể sẽ làm khổ cho cả tập thể. Nhưng nếu tập thể đó là một cộng đoàn huynh đệ, thì người này phải lấy tình thương mà sửa lỗi người kia, cộng đoàn sẽ ngày càng tốt hơn, cuộc sống cộng đoàn sẽ ngày càng hạnh phúc hơn.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa dạy ta phải sửa lỗi cho nhau cách nào. Và chúng ta hãy tha thiết xin Chúa giúp mỗi người chúng ta can đảm lấy tình thương mà sửa lỗi cho những anh chị em của ta.

II. Gợi ý sám hối

  • Vì thiếu can đảm, chúng ta đã không dám sửa lỗi cho những anh chị em chúng ta.
  • Vì thiếu quan tâm, chúng ta bỏ mặc khi thấy một người trong cộng đoàn phạm lỗi.
  • Nhiều khi chúng ta không chú ý sửa lỗi, mà chỉ kết án anh chị em.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I (Êd 33,7-9)

Thiên Chúa đặt ngôn sứ Êdêkien như người lính canh, với nhiệm vụ vạch tội của kẻ gian ác. Nếu ngôn sứ nói mà nó không nghe, thì nó chịu trách nhiệm về tội của nó. Còn nếu ngôn sứ không vạch tội và kẻ gian ác phải chết, thì ngôn sứ phải chịu trách nhiệm về cái chết đó.

2. Ðáp ca (Tv 94)

Tác giả lên tiếng kêu gọi các anh em tín hữu của mình. Nhưng hình như tiếng của tác giả kêu vô ích trong sa mạc. Bởi thế tác giả mong rằng người anh em ý thức tiếng huynh đệ ấy cũng là tiếng nói của chính Chúa và đừng cứng lòng nữa.

3. Tin Mừng (Mt 18,15-20)

Vấn đề được đặt ra là sửa lỗi anh em. Tuy nhiên cần phải phân biệt hai trường hợp: Trường hợp của đoạn Tin Mừng này liên quan đến lỗi có hại cho cộng đoàn, khi đó vì tinh thần anh em trong cộng đoàn ta phải đi sửa lỗi; còn trường hợp thứ hai được Thánh Matthêu ghi tiếp theo sau đoạn này (Mt 18,21-35) là lỗi giữa những cá nhân với nhau. Khi đó, giải pháp là tha thứ, tha “không chỉ 7 lần mà là 70 lần 7”.

Vậy khi một người anh em làm điều gì đó sai lỗi có hại đến cộng đoàn thì Ðức Giêsu dạy ta phải sửa lỗi như thế nào?

  • Căn bản là vẫn đối xử như “anh em”. Chú ý trong đoạn Tin Mừng này, chữ “anh em” được lặp đi lặp lại rất nhiều lần.
  • Diễn tiến từ kín đáo đến công khai: “riêng ngươi và nó” – “đem theo một hoặc hai người nữa” – “Trình với cộng đoàn” – “Kể nó như người ngoại và người thu thuế”.
  • Mục đích sự can thiệp sửa lỗi này không phải là để kết án người anh em mình, mà là để thu phục, làm cho người anh em trở lại với cộng đoàn. Nếu được như vậy thì kể như “đã lợi được một người anh em”.

4. Bài đọc II (Rm 13,8-10)

Thánh Phaolô chỉ cho tín hữu Rôma biết cốt lõi của mọi lề luật, đó là “yêu mến nhau”. Ngài dùng hai kiểu nói: “Vì ai yêu người thì đã giữ trọn Lề luật”; “Yêu thương là chu toàn cả lề luật”.

IV. Gợi ý giảng

1. Tế nhị, khó khăn, nhưng cần thiết

Lời Chúa hôm nay trong bài Tin Mừng nhắc lại một vấn đề quan trọng nhưng rất tế nhị trong cuộc sống chung giữa con người với nhau: đó là việc sửa lỗi người khác.

Phải nói ngay rằng đó là một việc vô cùng tế nhị và hết sức khó khăn:

  • tế nhị về phía người được sửa lỗi
  • khó khăn về phía người sửa lỗi, muốn giúp người khác nên hoàn thiện.

Nói rằng đó là một việc tế nhị, vì thuốc đắng đã tật, lời thật mất lòng: muốn khỏi bệnh nhưng sợ uống thuốc vì thuốc đắng; muốn nói lên sự thật nhưng ngại không dám nói vì sợ mất lòng. Ðó là điều tế nhị thứ nhất. Ðiều tế nhị thứ hai ai cũng phải công nhận: Nhân vô thập toàn, người nào cũng có khuyết điểm, không ai vẹn toàn trăm phần trăm. Thế nhưng tâm lý tự nhiên người ta thường nói: đẹp đẽ khoe ra xấu xa che lại. Và không ai muốn vạch áo cho người xem lưng, vì ai cũng sợ người khác biết được khuyết điểm hay tính xấu của mình, tự nhiên ai cũng muốn người khác quên đi hay đừng nhắc tới quá khứ không đẹp của mình. Do đó việc sửa lỗi anh em gây khó khăn vì phía người sửa lỗi. Vì nếu không khéo hay vụng về cách nào đó thì anh em sẽ cho rằng chúng ta sửa lưng anh em chứ không phải sửa lỗi anh em, miệt thị, hạ giá anh em hơn là muốn anh em nên tốt. Và không khéo thì chúng ta sẽ bị anh em mắng lại: Chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người. Thậm chí có khi lại bị anh em dùng chính Lời Chúa để “phang” lại: “Hãy lấy cái đà khỏi mắt anh đã”

Việc sửa lỗi anh em thật tế nhị và khó khăn. Nhưng Lời Chúa hôm nay xác định cách rõ ràng: sửa lỗi anh em là một hành vi tích cực của đức Bác Ái, vì sửa lỗi anh em là để cho anh em được nên hoàn thiện hơn. Ðối với người có trách nhiệm hay bề trên sửa lỗi bề dưới còn là một điều cần thiết và là một bổn phận nữa.

  • Sửa lỗi anh em trong đức ái không có nghĩa là dò xét bới móc, vạch lá tìm sâu, bé xé ra to, ít xít ra nhiều.
  • Sửa lỗi anh em không phải là kể ra lỗi lầm của anh em với bất cứ ai.
  • Sửa lỗi anh em trong đức ái là ý thức rằng tôi cũng có lỗi lầm, tôi cũng đầy khuyết điểm và tôi cũng cần người khác sửa lỗi.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta được đầy tràn Thánh Thần tình yêu Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới là Ðấng duy nhất “sửa lại mọi sự trong ngoài chúng tôi”.

  • Xin cho chúng ta được tràn đầy Thánh Thần Chúa để khiêm tốn chấp nhận những sửa sai, những chỉ bảo của người khác về những lỗi lầm, thiếu sót của ta.
  • Xin cho chúng ta được tràn đầy Thánh Thần Chúa để chúng ta có thể nói thẳng nói thật những lỗi lầm của nhau mà không làm thương tổn tình đoàn keết thân ái và mối dây thông cảm yêu thương.
  • Xin Chúa cho chúng ta hiểu được một lời kia của Tuân Tử nói rằng: Kẻ khen ta mà khen thật mới chỉ là bạn ta. Kẻ chê ta mà chê thật là thầy ta. Còn kẻ nịnh hót, tâng bốc ta là những kẻ chỉ làm hại đời ta mà thôi.
  • Lạy Chúa, hình như chúng con chỉ thích những lời khen và hình như chúng con thích nhất những lời nịnh hót tâng bốc, và chúng con không thích mấy, hay rất sợ, thậm chí rất ghét những ai sửa lỗi chúng con.
  • Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết chọn lựa một thái độ đúng đắn qua Lời Chúa dạy hôm nay.

(Lm. Giuse Maria Ðoàn Văn Thịnh)

2. Hai từ ngữ chói sáng

“Nếu người anh em của anh phạm lỗi…”

Từ sáng chói thứ nhất trong bài Tin Mừng hôm nay là từ “anh em”. Tại sao tôi phải đi gặp người vừa phạm lỗi nặng? Bởi vì người ấy là anh tôi, em tôi. Chúng tôi là con cùng một cha. Người anh em ấy đang mắc sai lầm. Nhưng tôi không đến để “vạch mặt chỉ tên” mà đến nói chuyện tay đôi trong tình anh em, chỉ cho anh ta biết đâu là phải đâu là quấy. Tôi đến với anh như người mục tử bỏ 99 con chiên để đi tìm và chăm sóc con chiên lạc.

Nếu biện pháp nói chuyện tay đôi cũng không có kết quả, thì tôi sẽ nhờ đến cộng đoàn. Ðây là biện pháp mà chỉ Tin Mừng theo thánh Matthêu mới có. Tin Mừng của ngài viết cho những tín hữu là người Do Thái. Họ đã thuộc luật Do Thái. Theo sách Thứ luật, viết trước Ðức Giêsu cả 6 thế kỷ, thì khi luận tội một người phải có ít là hai ba nhân chứng. Biện pháp tiếp theo cũng chỉ có trong Tin Mừng Matthêu: “Nếu anh ta không nghe cộng đoàn, thì hãy kể như anh ta là một người dân ngoại, một người thu thuế”.

Biện pháp sau cùng xem ra khắc nghiệt. Phải chăng đây là biện pháp loại trừ? Chúa có loại trừ dân ngoại và người thu thuế bao giờ đâu. Vả lại hãy nhớ đến dụ ngôn người con hoang đàng, hãy nhớ đến thái độ của người cha đối với nữa con hoang đàng và hợp ý cầu nguyện cùng Cha cho người anh em được mau quay về đoàn tự trong nhà Cha.

Như vậy từ chói sáng thứ hai trong bài Tin Mừng hôm nay là từ “Cha”. Chúa nói: “Nếu hai người trong anh em họp nhau để cầu xin gì cùng Cha, thì họ sẽ được điều đó nhân danh Thầy“. Lời Chúa còn mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện âm thầm của Chúa: “Khi hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì sẽ có Thầy ở đó“. Cùng với Chúa, cả cộng đoàn thiết tha cầu mong cho người anh em trở về, thì nhất định anh ta sẽ trở về, vì cảm được nỗi chờ mong đau đáu của Cha, giữa họ.

(Trích báo CgvDt, số đặc biệt Giáng sinh ’98, trang 258-259)

3. Dám sửa lỗi anh em là dấu hiệu của một tình thương cao độ

Thương ai thật là muốn điều tốt cho người đó. Muốn điều tốt cũng có nghĩa là không muốn điều xấu.

Vậy nếu ta thương người anh em mình thật thì khi thấy người anh em mình sai lỗi, ta phải tìm đủ cách để cứu người anh em ấy ra khỏi lỗi lầm.

Việc sửa lỗi cho anh em cũng khó khăn và thậm chí đau khổ, đau đớn. Cũng giống như nhảy vào lửa để cứu người.

Nếu không thương thì không nhảy vào lửa. Dám nhảy vào lửa là dấu hiệu của tình thương lớn lao.

4. Chuyện minh họa

a/ Sửa lỗi cách tế nhị

Ðức Hồng y Roncalli (sau là Giáo hoàng Gioan 23) ngày kia dự tiếp tân bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy cực kì ngắn. Ngài tỏ vẻ khó chịu bằng cách suốt bữa tiệc làm như không biết bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Rất hân hạnh, bà nói:
– Tôi không biết phải cám ơn ngài thế nào. Nhờ đâu tôi được ngài ưu ái như thế?

Ngài chăm chăm nhìn bà rồi nói:
– Sau khi Evà ăn quả táo, bà ta mới nhận ra là mình thiếu quần áo.

b/ Người anh em

Nạn đói xảy ra trong vùng. Một người ăn xin bên góc đường bước đến bên đại văn hào Nga, Tolstoy, đang đi ngang qua đó. Tolstoy dừng lại, lấy tiền cho nhưng không tìm được đồng nào. Ông nói với sự nuối tiếc: ” Này người anh em, đừng giận tôi. Tôi chẳng đem theo gì”.
Mặt người ăn xin sáng lên và nói: “Ông gọi tôi là anh em, đó đã là món quà rất lớn rồi!”

V. Lời nguyện cho mọi người 

Chủ tế: Anh chị em thân mến 
Thánh Phaolô dạy: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái. Vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật”. Với quyết tâm sống bác ái yêu thương, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

1. Ðời sống của Hội Thánh phải luôn phản ánh trung thực đới sống yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị Mục tử / luôn nhẫn nại và hiền hòa / nhưng cương quyết khi phải sửa chữa lầm lỗi của anh em mình.

2. Ngày nay / một số người / nhất là các thanh thiếu niên / do ảnh hưởng của những băng hình xấu / cổ võ bạo lực / thích dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn bất hòa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người / biết lấy tình bác ái mà giải quyết những xích mích trong cuộc sống thường ngày.

3. Lòng bác ái thật không chỉ là giúp đỡ vật chất / hay an ủi người khác khi họ gặp hoạn nạn / nhưng còn là sửa dạy khi thấy họ lỗi lầm / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bậc cha mẹ / cũng như những người có trách nhiệm đối với cộng đoàn / biết can đảm và khôn khéo sửa dạy con cái / và những người dưới quyền khi thấy họ lỗi lầm.

4. Ðức Giêsu luôn chúc lành / và hiện diện giữa những ai có cùng một niềm tin / họp nhau để cầu nguyện / hay tham dự các nghi lễ phụng vụ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn hiểu được điều đó và có những tâm tình xứng hợp.

Chủ tế: Lạy Chúa Cha nhân lành, sửa lỗi cho nhau để giúp nhau nên tốt là một trong những bổn phận quan trọng của từng người trong chúng con. Xin ban cho chúng con lòng khiêm tốn thật để chúng con có thể vui lòng đón nhận những lời góp ý xây dựng của anh chị em chúng con. Chúng con cầu xin nhờ…

VI. Trong Thánh Lễ

  • Trước kinh Lạy Cha: Chúng ta đều là những kẻ có tội. Trong Kinh Lạy Cha mà chúng ta sắp cùng nhau đọc, chúng ta hãy tha thiết xin Cha tha tội cho chúng ta và cho những người anh em của chúng ta nữa.
  • Sau kinh Lạy Cha: “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin giúp chúng con can đảm và chân thành sửa lỗi cho nhau. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…”

VII. Giải tán

Trong tuần này, chúng ta hãy cố gắng sống tình anh em với mọi người, là anh em của nhau trong sự giúp nhau làm việc, mà cũng là anh em của nhau trong việc sửa lỗi cho nhau nữa.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Con thấy mình còn rất nhiều thiếu sót, khuyết điểm, có khi còn nặng hơn anh em. Xin cho con được tràn đầy Thánh Thần Chúa:

– Xin cho con ơn can đảm, để biết khiêm tốn chấp nhận sự sửa lỗi của anh em.

– Xin cho con ơn khôn ngoan, để biết chân thành sửa lỗi cho anh em.

Nếu vì bổn phận phải sửa lỗi người khác, thì trước khi sửa lỗi ai, xin cho con nhớ mình cũng là tội nhân, yếu đuối và hay lầm lỗi, có khi còn nặng nề hơn họ.

– Để con biết lấy tinh thần bác ái và tôn trọng nhân vị mà cư xử, nâng đỡ hơn là chỉ trích thoá mạ anh em;

– Để con biết quảng đại với mọi người, như Chúa vẫn rộng lượng tha thứ và nhẫn nại với con từng ngày, từng ngày;

– Và để nhờ đó, con đáng được lòng nhân từ Chúa xót thương. Amen.