Hội nghị quốc tế lần thứ 12 của “Các Nhóm Đức Bà” bên Fatima

Trong các ngày từ 11 đến 21 tháng 7 vừa qua đại hội lần thứ XII của tổ chức “Các nhóm Đức Bà” đã diễn ra tại Fatima bên Bồ Đào Nha. Đại hội lần này có đề tài là “Gương mặt của người con hoang đàng”, nhằm đề cao tông huấn của ĐTC Phanxicô về lòng thương xót Chúa.

PeterTurkson.jpgThành lập “Các Nhóm Đức Bà”

Hiệp hội “Các nhóm Đức Bà” do linh mục Henri Caffarel người Pháp thành lập. Cha Caffarel sinh năm 1903 tại Lyon. Ngài đã theo học tại trường Đức Bà của các cha Mariste ở Lyon, rồi làm linh mục của tổng giáo phận Paris. Cha đã thành lập hiệp hội Các nhóm Đức Bà, là một phong trào chuyên phổ biến linh đạo hôn nhân. Năm 1965 cha Caffarel đến sống tại nhà Troussures và biến nó thành nhà cầu nguyện. Cha cũng thành lập các nguyệt san “Nhẫn vàng” và “Các tập của lời cầu nguyện”. Cha qua đời tại Troussures ngày 18 tháng 9 năm 1996, thọ 93 tuổi. Hiệp hội Các nhóm Đức Bà hiện diện tại 95 nước năm châu với hơn 13.500 nhóm.

 Năm 2006 ĐHY Andrè Vingt-Trois, TGM Paris, đã cho mở án phong chân phước cho cha, với sự đồng ý của ĐC Beauvais và Bộ phong thánh. Cha đã được tuyên bố là vị Tôi tớ Chúa. Cha Henri Caffarel đã là tác giả của hàng trăm cuốn sách và các bài khảo luận.

Sứ điệp của ĐTC gửi Đại hội: Giáo Hội lên án tội lỗi nhưng đồng thời mở rộng đôi tay cho người tội lỗi

 Trong sứ điệp gửi ĐTGM Rino Passigato, Sứ Thần Tòa Thánh tại Bồ Đào Nha, và các tham dự viên đại hội ĐTC Phanxicô khẳng định rằng: Giáo Hội lên án tội lỗi, vì phải nói sự thật, nhưng đồng thời mở rộng đôi tay cho người tội lỗi và cống hiến lòng thương xót Chúa cho họ.

ĐTC nói tông huấn “giúp nhận ra gương mặt của từng người nơi đứa con lạc đường trở về với Thiên Chúa Cha, là Đấng không mỏi mệt mở rộng vòng tay tiếp đón và trao ban trở lại cho nó sự cao cả của chức làm con. Bị đánh động bởi lòng lành vĩ đại đó, anh chị em hãy để cho con tim mình sống kinh nghiệm ấy và hãy thưa lên với Chúa: “Lậy Chúa, đúng thật con là người tội lỗi, con cảm thấy thế và con là như vậy. Con đã lạc đường. Con đã chạy trốn tình yêu của Chúa bằng trăm phương nghìn cách, nhưng một lần nữa con ở đây để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin Chúa lại cứu chuộc con đi! Xin hãy đón nhận con một lần nữa trong vòng tay cứu độ của Chúa”.

Ngoài ra, đôi cánh tay rộng mở của Chúa Kitô “trên thập giá chứng minh cho thấy rằng không có ai bị loại trừ khỏi tình yêu của Thiên Chúa Cha và lòng thương xót của Ngài”. Thật thế, Chúa không chịu trận để mất đi một ai hết: vợ chồng, cha mẹ con cái… dưới mắt Chúa Giêsu không có ai là hư mất đời đời, chỉ có những con người phải được tìm lại và Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta đi ra để kiếm tìm họ. Bởi vì nếu chúng ta muốn tìm Chúa, chúng ta phải tìm Ngài ở nơi đâu Ngài ước mong gặp gỡ chúng ta, chứ không phải ở nơi đâu chúng ta muốn tìm Ngài”.

Chương trình sinh hoạt

 Trong các ngày đại hội các tham dự viên được linh hoạt bởi ĐTGM José Tolentino Calaça de Mendoça. Sau khi giảng tĩnh tâm cho ĐTC và giáo triều cha José Tolentino đã được ĐTC chỉ định làm TGM trông coi Văn khố và Thư viện Tòa Thánh. Chương trình sinh hoạt cũng gồm các lúc suy tư, cầu nguyện chung, thánh lễ, và chia sẻ chứng từ. Trong số các tham dự viên cũng có ĐHY Peter Turkson Tổng trưởng Bộ phát triển nhân bản toàn diện.

 Phát biểu trong đại hội ĐHY Turkson khẳng định rằng các gia đình có khả năng nhập thể một chương trình về nhân phẩm và luân lý đạo đức đích thật cao quý, và như thế trở thành kiểu mẫu cho toàn gia đình nhân loại, được mời gọi sống và gìn giữ căn nhà chung của toàn thụ tạo. Tiếp đến ĐHY đã cùng các cặp vợ chồng tham dự viên đại hội suy tư về linh đạo hôn nhân trong bối cảnh của một nền môi sinh nhân bản rộng rãi hơn, bao gồm hai cột trụ chính nâng đỡ là tình huynh đệ và sự hiệp thông.

 Ai có một ngôi nhà cần điều hành và săn sóc, thì hiểu rõ tinh thần trách nhiệm đối với căn nhà chung có nghĩa là gì. Ai sống trong một cộng đoàn nhỏ như cộng đoàn gia đình, trong đó có các tương quan, các vấn đề, các dấn thân, các dự án cần điều hành, thì biết tiếp nhận tầm quan trọng của một liên hoạt động đúng đắn giữa các bản vị với nhau. Chính vì thế cần phải sống tương quan chặt chẽ này trong sự cụ thể của các lựa chọn lớn nhỏ thường ngày. Nó gắn liền nhân phẩm, với việc bảo vệ môi sinh, con người với thụ tạo trong tổng thể của nó. Đây là một ý thức môi sinh vượt xa hơn ý thức, mà cộng đồng quốc tế đã có được trong 50 năm qua nhờ sự tiến triển của các nghiên cứu khoa học và chính trị của các chính quyền và của Liên Hiệp Quốc. Đây là một ý thức đâm rễ sâu trong Thánh Kinh, trong trình thuật kinh thánh về việc tạo dựng, trong đó Thiên Chúa tạo dựng nên con người, “được nhào nắn từ bụi đất và từ hơi thở của Thiên Chúa”, trong “ngôi vườn do Thiên Chúa vun trồng” để họ trồng tỉa nó. Như vậy thống trị thiên nhiên có nghĩa là săn sóc và bảo vệ nó.

 Trong quan điểm này con người không còn là “trung tâm tự quy chiếu của thụ tạo nữa”, nhưng nó được nhận thức như là “phần của một thế giới được tạo dựng có liên hệ với nhau và tùy thuộc nhau”, tuy nó mang trong mình sự khác biệt là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng không chỉ có thế: “Con người là phần của một cộng đoàn, sống trong sự hiệp thông với các người khác trong một mạng lưới tương quan”. Nhất là con người sống bản chất chung của mình là con cái của Thiên Chúa, và thừa nhận mình có phẩm giá như nhau. Vì thế “mọi vụ giết người đều là giết người anh em mình”. Con người không là một cá nhân. Nó là một bản vị có tương quan, được tạo dựng nên để cùng sống trong liên hệ của một gia đình, của một cộng đoàn, của một xã hội, có phẩm giá như nhau và theo đuổi thiện ích chung. Con người đã được tạo dựng nên cho một cuộc sống hiệp thông.

 Tiếp tục bài suy tư ĐHY Tổng trưởng Bộ phát triển nhân bản toàn diện nói: Tất cả giải thích kiểu nói “môi sinh nhân bản” có nghĩa là gì. Nó không chỉ là sự tương tác của con người với môi sinh, mà còn là các điều kiện của lòng tốt, trật tự, công bằng, tình yêu, tình huynh đệ, liên đới và lòng đạo hạnh, khiến cho cuộc sống con người nở hoa như là việc tạo dựng của Thiên Chúa.

 Trong bối cảnh đó gia đình nhập thể một cách tràn đầy vài giá trị. Chắc chắc là các gia đình ngày nay phải đương đầu với nhiều khó khăn và nhận chịu hai khía cạnh dễ bị thương tổn. Trước hết là bình diện kinh tế, gia đình thường phải sống từ cảnh đồng lương ít ỏi, nạn thất nghiệp, nạn bất ổn cho tới các tình trạng cấp bách thê thảm toàn cầu như trong hiện tượng buôn người và nạn nô lệ. Thế rồi, còn có các điểm dễ bị tổn thương khác nữa như môi sinh. Thật vậy, có biết bao nhiêu gia đình trên thế giới cả ngày nay cũng phải tính sổ với các tình hình cấp bách thê thảm toàn cầu như không có đủ nước uống, phải sống trong cảnh đói khát và thiếu dinh dưỡng, với các nhà ở tạm bợ, với môi sinh tồi tệ gây nguy hiểm cho công việc của giới nông dân và ngư phủ?

Chúng là các khó khăn sờ sờ trước mắt mọi người. Nhưng cũng đúng thật là từ các gia đình cũng phát xuất ra sức đẩy cho một thái độ toàn cầu tốt đẹp hơn.

 Chẳng hạn các gia đình, một đàng có thể học biết sống không hoang phí, đàng khác biết chia sẻ với tinh thần nhưng không và lòng quảng đại. Còn hơn thế nữa, trong gia đình người ta học biết cùng nhau đương đầu với các thách đố một cách trực tiếp, can đảm và với óc sáng tạo. Các gia đình tốt không nhượng bộ một khuynh hướng coi mình là nạn nhân một cách giả tạo, nhưng nếu biết hiệp nhất các ơn lại với nhau, hiệp nhất các tài khéo và tài nguyên với nhau, thì có thể đương đầu với tất cả mọi thứ gây nguy hại cho phẩm giá con người và sự phát triển của các gia đình. Và ĐHY Turkson kết luận: Đó là “chương trình nhân bản” phát xuất từ các gia đình, và có thể đi đến với toàn thế giới.

 Cha Henri Caffarel đã có công rất lớn trong việc thành lập và hướng dẫn hiệp hội “Các nhóm Đức Bà” để phổ biến linh đạo hôn nhân. Rất tiếc là nhiều nơi trên thế giới đã không biết đến hay không chú ý hoặc không muốn biết đến linh đạo của phong trào quan trọng này. Phải thú nhận rằng cho tới nay mục vụ gia đình của Giáo Hội nói chung rất hời hợt, thiếu sót và yếu ớt, nếu không muốn nói là các khóa chuẩn bị hôn nhân chỉ giản lược vào ít lần gặp gỡ nói chuyện với các linh mục trong giáo xứ, mà không có một chương trình đào tạo huấn luyện và chuẩn bị cho các đôi vợ chồng am tường linh đạo làm chồng làm vợ, linh đạo làm cha làm mẹ, với các hiểu biết nền tảng kinh thánh, thần học, tu đức, thiêng liêng, cũng như tâm sinh vật thể lý, có khoa học và bài bản, với các lý cớ vững vàng, cụ thể, súc tích. Cần phải có cả một chương trình ngắn gọn nhưng phong phú nhằm đào tạo và chuẩn bị cho các gia đình tương lai trên mọi bình diện, từ việc quản trị chi tiêu, cách sử dụng tiền bạc và tại sao không cả cách thế kiếm ra tiền và tự tạo công ăn việc làm cho gia đình nữa.

 Trong hai ngày mùng 8-9 tháng 12 năm ngoái phong trào Các nhóm Đức Bà đã tổ chức tại trường trung học Bernardins một khóa hội học về đề tài “Cha Caffarel, ngôn sứ của thời đại chúng ta, tông dồ của hôn nhân và thầy dậy cầu nguyện”. Cuộc hội luận bàn tròn thứ nhất có tựa đề “Henri Caffarel, ơn gọi của một người của Thiên Chúa”. Tiếp theo có bài thuyết trình của cha Paul-Dominique Marcovits, người Pháp dòng Đa Minh, về đề tài “Một con người của đức tin”. Rồi tới bài thuyết trình của cha José Jacinto Ferreira De Farias người Bồ Đào Nha về đề tài “Các nguồn gốc tinh thần ơn gọi của cha Caffarel”. Sau đó là bài nói chuyện của hai vợ chồng Veronique và Thierry Caspar-Fille-Lambie người Pháp về đề tài “Được gợi hứng bởi Thánh Giuse và Mẹ Maria”.

Trong phần hai của khóa hội học có các đề tài như “Henri Caffarel, người thành lập trong Giáo Hội”, “Henri Caffarel giám đốc nguyệt san Nhẫn Vàng, trong con tim của các phong trào tinh thần và văn hóa thời đại của ngài”, “Henri Caffarel một sáng lập viên”, “Sự phát triển và quốc tế hóa phong trào các nhóm Đức Bà”.

Trong phần ba của khóa hội học có các đề tài như “Henri Caffarel thầy dậy cầu nguyện và cố vấn thiêng liêng”, “Henri Caffarel, bậc thầy cầu nguyện”, “Lứa đôi, nhóm Đức Bà và linh mục”, “Henri Caffarel và việc đồng hành với các bà góa”. Phần bốn của khóa hội học có các đề tài như “Henri Cafarel ngôn sứ đối với lứa đôi và hôn nhân”, “Tinh thần tu đức của hôn nhân trong nguyệt san Nhẫn Vàng do cha Henri Caffarel thành lập”, “Trong sự hăng say cửa cha Henri Caffarel phong trào các nhóm Đức Bà phục vụ hôn nhân”, “Chúa Kitô ở trung tâm cuộc sống lứa đôi”. Sau mỗi phần đều có một cuộc thảo luận bàn tròn. Các đề tài đã do các Giám Mục, Linh Mục chuyên viên thần học, tu đức, tâm lý và các cặp vợ chồng thuộc phong trào trình bầy.

Linh Tiến Khải

(VaticanNews 29.07.2018)