Gioan Phaolô II, vị thánh của thời đại

Mỗi thời đại đều có những vị thánh. Đó là dấu chỉ sống động của tình thương và quyền năng Chúa. Những con người mỏng dòn yếu đuối lại mang nơi mình những sức mạnh phi thường. Họ chính là những hoa tiêu cho một chặng đường, những tia sáng lóe lên để nhắc nhớ và khơi gợi khát vọng thánh thiện cao thượng nơi chúng ta. Họ truyền cảm hứng cho chúng ta sống Tin Mừng cách trung thành và nhiệt huyết.
 
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II là vị thánh của thời đại chúng ta. Cuộc đời và sự nghiệp của Ngài đã để lại những dấu ấn lớn lao cho thời đại hôm nay.
 
1. Con người của ý chí
 
Đọc lại cuộc đời của Thánh Gioan Phaolô II, chúng ta thấy ngài có một sức mạnh ý chí phi thường.
 

Ngài sinh trưởng trong một hoàn cảnh khó khăn: mồ côi mẹ lúc 8 tuổi, chị gái yểu mệnh và anh trai cũng sớm ra đi, cộng thêm bố mất năm 1941. Những biến cố ấy đã để lại cho ngài những đau thương và mất mát như ngài đã có lần tâm sự: “Vào lúc 20 tuổi, tôi đã mất tất cả những người thân yêu”. 
 
Thời đại của ngài cũng là thời chiến tranh loạn lạc. Gia đình ngài đã phải di tản, bản thân ngài cũng từng bị cưỡng chế lao động…
 
Thế nhưng, trong hoàn cảnh cùng cực như thế, ngài vẫn kiên tâm trì chí: học phổ thông, học đại học, học nhiều ngôn ngữ (tới 12 ngôn ngữ), học kịch nghệ, rèn luyện thân thể (giỏi thể thao)… và nhất là dám dấn thân vào con đường tu trì.
 
Chính con đường tu trì gian nan và hiểm nguy dưới thời phát xít và cộng sản Ba Lan đã khuôn đúc nên một con người gang thép, với ý chí và nghị lực phi thường.
 
Ý chí đó mãnh liệt như một bó đuốc tỏa sáng. Nhận xét về ngài, Đức Đạt La Lạt Ma, người đã tiếp kiến ngài nhiều lần, phát biểu: “Quả thật Ngài có một ý chí và một quyết tâm giúp đỡ nhân loại về mặt tâm linh. Đó là điều tuyệt với, là điều thiện hảo”.
 
2. Mục tử năng động
 
Năm 1942, ngài bắt đầu gõ cửa Đức Tổng giám mục Krakow để xin tham dự lớp Đại Chủng Viện chui.  Ngày 01/11/1946, ngài được thụ phong linh mục. Sau đó, ngài được gửi đi du học tại Học viện Angelicum – Roma. Mười hai năm sau, ngài làm Giám mục phụ tá của Krakow, khi mới 38 tuổi. Được vinh thăng Hồng y khi mới 47 tuổi. Năm 1978 được bầu chọn làm giáo hoàng khi mới ở độ tuổi 58.
 
Trong 26 năm làm giáo hoàng đã đi thăm 129 nước (với chiều dài hơn 1.100.000 km, bằng 28 lần chu vi trái đất và ba lần khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng, nhiều hơn so với cả các giáo hoàng trước cộng lại), thực hiện 143 cuộc viếng thăm trong nước Ý, thăm mục vụ 301/334 giáo xứ trong Giáo phận Rôma, phong chân phước cho 1340 người, phong hiển thánh cho 483 người.
 
Ngài viết 14 thông điệp, 15 tông huấn và nhiều tông thư, tâm thư, sứ điệp  giáo hoàng liên quan đến nhiều bậc sống, nhiều phương diện và nơi chốn, phổ biến “thần học thân xác”, kiên trì xây dựng “văn minh tình yêu” và “văn hóa sự sống”, xin lỗi về những lỗi lầm quá khứ của con cái Giáo hội, mở rộng vòng tay đại kết và liên tôn, hạ bệ các cộng thể độc tài Đông Âu…
 
Ngài có nhiều sáng kiến mục vụ, như các cuộc viếng thăm các tôn giáo (hội đường Do Thái, Hồi Giáo, Anh Giáo, Tin Lành, Phật Giáo…), mở đại hội giới trẻ (từ 1985, hai năm một lần), cầu nguyện cho hòa bình (ở Assisi), lên tiếng cho những thân phận nghèo khổ (ở Nigeria, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…), hội nhập văn hóa địa phương (hôn đất, nói hơn 10 thứ tiếng, mặc trang phục mũ nón hoặc áo của địa phương…).
 
Trong đời sống cá nhân, ngài chịu khó luyện tập và tham gia các hoạt động tập thể. Khi còn trẻ, ngài chơi bóng đá trong vai trò thủ môn, fan hâm mộ của Livepool, trượt tuyết, chèo thuyền, diễn kịch… Sau này, khi lớn tuổi thì đi bách bộ và luôn cố gắng tham gia các buổi cử hành, nhất là những dịp đại hội dành cho giới trẻ do chính ngài sáng kiến.
 
Ngài muốn truyền lửa cho mọi người nhất là giới trẻ. Hãy thử nghe những lời của ngài ngỏ với người trẻ tại Đại Hội Giới Trẻ thê giới 1993:
 
“Hỡi những người trẻ,
Chúa Kitô cần tới các con để thắp sáng địa cầu, để chỉ cho nhân loại ‘nẻo đường đi tìm sự sống. Thách thức mới là các con cần phải thể hiện sự có mặt của Giáo hội Chúa bằng chính cuộc đời và lối sống cụ thể của các con. Các con hãy sắp sẵn trí khôn, tài năng, lòng nhiệt thành và tình thương của các con để đối diện với đời sống và phục vụ đời sống.
Các con đừng sợ xuống đường để đi tới những nơi công cộng như các thánh Tông Đồ xưa. Giờ không còn là thời điểm để các con xấu hổ vì Phúc Âm. Giờ là thời điểm để các con rao giảng từ trên mái nhà. Các con đừng sợ phá vỡ nếp sống tiện nghi và thói quen để chấp nhận thách đố: làm thế nào để khuôn mặt Chúa Giêsu được thế gian biết đến?”
 
Ngài quả là một mục tử năng động, lăn xả, lên đường, ra khơi….
 
3. Tông đồ của lòng thương xót
 
Nhưng có lẽ điều làm cho ngài vĩ đại nhất là đã thực thi và làm chứng cho lòng thương xót Chúa.
Vì muốn thể hiện lòng thương xót qua việc bênh đỡ người cùng khổ, ngài đã lên tiếng phản đối chiến tranh và kêu gọi hòa bình, phản đối chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, chế độ độc tài, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tư bản;  phản bác các phương pháp phá thai, thuyết tương đối và cách thức chết êm dịu. Ngài cũng được coi là một trong những nguồn lực dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan và Đông Âu.
 
Vì thương xót, ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đã công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo hội trong quá khứ; tổng cộng hơn 100 lần về những hành động sai trái của các con cái Giáo hội Công giáo, trong đó có sự kiện xưng thú 7 tội của Giáo hội trước đám đông tại quảng trường thánh Phêrô vào ngày 12 tháng 3 năm 2000.
 
Vì tình yêu thương xót, ngài đã có những văn kiện để tỏ lòng quan tâm đặc biệt tới những người phận nhỏ: các phụ nữ, các thai nhi, các gia đình, tín hữu giáo dân, giới trẻ, những người nghèo khổ, những nạn nhân của các chế độ độc tài…
 
Ngài cũng đã viết thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Dives in misericordia) như một bản tổng hợp về lòng thương xót bao la của Chúa. Ngài đã phong thánh cho thánh nữ Faustina và lập lễ kính Lòng Thương Xót Chúa.
 
Thánh Gioan Phaolô II đã từng nói: “Thành công lớn nhất của một cuộc đời là nên thánh”. Xin Thánh Nhân cũng giúp chúng ta có một ý chí vững mạnh và đức tin sống động, để nhờ ơn Chúa, chúng ta vượt qua tất cả mọi khó khăn cản trở, hăng say sống và làm chứng cho Tin Mừng một cách năng động và diễn tả tình yêu dịu hiền của Chúa cho nhân loại hôm nay. Thế giới hôm nay bị tổn thương vì bạo lực, vì thói vô cảm… Thế giới ấy rất cần được lòng thương xót Chúa chạm đến, chữa lành và nâng dậy! Lời của Ngài tại quảng trường thánh Phê rô năm nào tiếp tục thôi thúc chúng ta: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!”
 

Ngày lễ nhớ 22.10.2016
 
Lm. Dominic Trần, ĐCV Bùi Chu