Giáo dân có thể giúp ích hay làm hư các linh mục cách nào?

Giáo dân có bổn phận giúp các linh mục chu toàn những trách nhiệm đó bằng lời cầu nguyện, nâng đỡ tinh thần nhưng không “làm hư” các ngài bằng tiền bạc.


Linh_Muc.jpgI- Linh mục là AI ?

Đó là điều trước tiên cần nói lại trước khi đi sâu vào chủ đề muốn tìm hiểu trong khuôn khổ của bài viết này.

Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta cần đọc lại lời dạy sau đây của Thánh Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium) về chức Linh mục :

“Nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục được thánh hiên theo hình ảnh Chúa Kitô, Thầy Cả Thượng Phẩm vĩnh viễn ( x.Dt 5: 1-10) để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tin hữu và cử hành việc phụng tự Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước.” (LG, số 28).

Thánh Công Đồng cũng nhắc thêm cho các linh mục nói chung về trách nhiệm của mình trong Giáo Hội là “phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Kitô vì đã sinh họ ra cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn.” ( ibid, no,28)

Như thế,  linh mục có một vai trò rất quan trọng và cần thiết trong Giáo Hội vì lợi ích thiêng liêng của  dân được trao phó cho hàng tư tế thừa tác coi sóc  là  các Giám mục và linh mục, những người  đang tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Chúa Kitô. Đó là  sứ vụ  rao giảng Tin Mừng  cho thế giới , và cách riêng , cho các tin hữu được trao phó cho mình trông  coi , chăn dắt về mặt tinh thần để hướng dẫn họ theo Chúa Kitô -và đặc biệt-  thánh hóa họ qua các bí tích ban sự sống là  Rửa tội, thêm sức, hòa giải và Thánh Thể. Do đó, nếu không có linh mục , cộng tác viên thân cận và đắc lực của Giám Mục, thì giáo dân sẽ không thể được bổ sức thiêng liêng cách sung mãn  qua hai bí tích Hòa giải và Thánh Thể, nhờ đó con người được lớn lên trong tình  yêu  Chúa, được làm hòa lại với Thiên Chúa , với  tha nhân và Giáo Hội, sau khi đã lỡ sa phạm tội vì yếu đuối của bản ngã… Đặc biệt, nhờ có linh mục hàng ngày cử hành Thánh Lễ Tạ ơn (Eucharist) mà đời sống của Giáo Hội nói chung và  đời sống thiêng liêng của dân Chúa nói riêng  được sung mãn trong  tình yêu của Chúa ngay trong cuộc sống này và có hy vọng được sống đời đời , căn cứ vào lời Chúa Giê su đã hứa cho ” Ai ăn thịt ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” ( Ga 6:54) .

Lại nữa, dù là con người bất toàn, nhưng khi linh mục giơ tay tha tội cho ai nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi) thì người ấy được tha vì chính Chúa Kitô đã bảo đảm như  vậy:

” Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha

Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ. ” ( Ga 20:23)

Do đó không có linh mục thì không thể có các bí tích Hòa giải, Thêm sức (được Giám mục ủy quyền) Thánh Thể và Sức dầu bênh nhân. Các bí tích rửa tội và hôn phối không đòi thừa tác viên phải có chức linh mục. Nói cách tổng quát hơn ,  nếu không có linh mục thì cũng không có Giáo Hội, không có đời sống Kitô giáo đươc nuôi sống bằng lời Chúa và bằng Minh Máu Chúa qua sứ vụ rao giảng Tin Mừng và cử hành hai  bí tích đặc biệt là  hòa giải và Thánh Thể  mà chỉ có Giám mục và linh mục được phép cử hành mà thôi. Nhưng một mình Giám mục , hay Hồng Y hoặc Đức Thánh Cha  không  thể làm hết mọi việc mà không cần đến linh mục là các cộng sự viên tối cần thiết để giúp các ngài thi hành sứ vụ Tông Đồ của mình.

II- Linh mục phải thi hành sứ vụ và trách nhiệm của mình thế nào?

Chính vì vai trò rất quan trọng  nói trên mà mọi linh mục đều được mong đợi sống đúng với vai trò và chức năng của mình trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, thánh hóa và chăn dắt giáo dân theo gương Chúa Giêsu,  Đấng Chăn Chiên lành và là Thầy dạy chân lý duy nhất.

Nói rõ hơn,  linh mục không thể dạy giáo lý nào khác với Giáo Lý tinh tuyền của Giáo Hội, hay rao giảng Phúc  Âm nào khác với Tin Mừng mà Chúa Kitô đã rao giảng và trả giá bằng chính mạng sống của mình trên thập giá năm xưa. Ngoài ra, Linh mục cũng không được phép “phăng ra” nghi thức  nào của riêng mình mà phải triệt để thực  hành mọi nghi thức về phụng vụ và bí tích theo đúng qui đinh của Giáo Hội.

Cụ thể, linh mục không thể vì muốn lấy lòng những người ngoài Công giáo có mặt trong Thánh Lễ  để chúc bình an như sau :” Xin Trời Phật chúc lành cho ông bà anh chị  em”, như một linh mục kia đã nói. (chính tôi chứng kiến vì cũng có mặt trong lễ tang đó). Nói thể là vô tình coi Thiên Chúa của mình ngang hàng với các vị sáng lập của các tôn giáo khác. Ai đến nhà thờ Công giáo thì mình đón  tiếp họ nhưng không được “hòa đồng  tôn giáo” bằng cách chối bỏ đức tin của mình vào một Thiên Chúa độc nhất và  là Đấng duy nhất đã tạo dưng muôn loài muôn vật trong đó có loài người chúng ta,  là “linh ư vạn vật” được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và cứu chuộc nhờ Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô, Đấng mà các tôn giáo ngoài Kitô Giáo ,  kể cả Do Thái Giáo,  không nhìn  nhận  và chia sẻ niềm tin với chúng ta.

Lại nữa, phải tôn trọng giáo lý và thần học của Giáo Hội khi đề cập đến những vấn đề quan trọng như ơn cứu rỗi, Thiên Đàng và hỏa ngục. Sở dĩ thế vì có linh mục kia cứ quả quyết với giáo dân rằng không làm gì có án phạt đời đời trong nơi gọi là hỏa ngục (hell) vì Chúa rất nhân từ sẽ tha thứ hết sau một thời gian nào đó. Đúng , Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót, chậm bất bình và hay tha thứ.Nhưng phải hiểu hình phạt hỏa ngục  theo nghĩa nào ? là  sự trừng phạt của Thiên Chúa hay vì con người đã tự do chọn lựa nơi đó trong suốt cuộc  sống của mình trên trần thế này ?

Chắc chắn Thiên Chúa yêu thương và ” muốn cho mọi người được cứu độ  và nhận biết chân lý”.(1Tm2:4). Nhưng Chúa cũng hoàn toàn tôn trọng ý muốn  của con người. Vì thế, mới có vấn đề thưởng phạt được đặt ra cho riêng loài người  là loài có lý trí và ý muốn tự do (intelligence and free will) mà thôi.

Cứ nhìn vào thực trạng thế giới ngày nay, chúng ta có thể nhận rõ ai muốn sống theo đường lối của Thiên Chúa và chọn Người là cùng đích của đời mình,  và ai đang cố ý  khước từ Thiên Chúa để sống theo “văn hóa của sự chết” đối nghịch hoàn toàn với Phúc  Âm Sự Sống của Chúa Kitô.

Đó là những kẻ đang lấy việc giết người nhân danh tôn giáo làm lẽ sống, những kẻ khủng bố muốn gây “thánh chiến = jihah ” để giết những ai không về phe  hay bất đồng với họ, hoặc những kẻ đang giết hàng trăm ngàn  thai nhi mỗi ngày trong các nhà thương hay y viện giúp  phá thai ở Mỹ và ở khắp nới trên thế giới.

Đó là những quân vô luân, vô đạo đang tìm và hưởng thú vui cực kỳ khốn nạn là làm hại cả tinh thần lẫn thể xác  của các trẻ em nạn nhân của thú  “ấu dâm” (child prostitution) cũng như buôn bán phụ nữ với kỹ nghệ mãi dâm cho những kẻ đi tìm thú vui cực kỳ vô luân,  vô đạo này.

Như vậy, một Thiên Chúa cực tốt cực lành có thể  nào chấp nhận những tội lỗi gớm ghê nói trên của con người được  không ?

Và nếu Thiên Đàng là nơi chỉ dành cho những ai yêu mến sự thánh thiện, công bình và bác ái  mà Thiên Chúa là chính những thiện hảo này thì những ai đang chối bỏ Thiên Chúa để đi vào con đường dẫn đến sự chết ,  chắc chắn sẽ phải đến nơi cư ngụ cuối cùng mà cách sống của họ là hậu quả tất nhiên.

Như vậy, chính họ chọn hỏa ngục làm nơi cư ngụ cuối cùng chứ không phải Thiên Chúa muốn phạt ai  ở nơi này.

Chúng ta không có quyền , và cũng không thể ngăn cản Thiên Chúa yêu thương ai  hay để mặc cho ai  muốn xuống ” hỏa ngục”  vì cách sống của họ  trên trần gian này. Chúa không   ép  buộc ai phải yêu mến Ngài mà chỉ mời gọi và tùy con người đáp trả ưng thuận hay từ chối.  Vậy nếu ai đã dùng tự do để khước từ Thiên Chúa và  tình thương của  Người thì họ phải chịu hậu quả tất nhiên của sự chọn lựa đó.

Mặt khác,  chúng ta cũng không  biết chắc  được  ai phải sa hỏa ngục và ai đã lên Thiên Đàng. Cho nên,  chúng ta cứ cầu nguyện cho kẻ chết và trông cậy vào lòng xót thương của Thiên Chúa mà thôi.

Tuy nhiên,  là tín hữu trong Giáo Hội, ta phải nghe theo những gì Giáo Hội  đang dạy trong các lãnh vực  tín lý, giáo lý và luân lý. Cụ  thể,   Chúng ta  biết cho đến giờ này Giáo Hội vẫn dạy có Thiên Đàng , luyện tội và hỏa ngục ( x. SGLGHCG số.1023,1030,1033…) Do đó, là linh mục,  ai cũng có bổn phận dạy người khác những gì Giáo Hội là Mẹ đang dạy. Không có Giám mục, linh mục nào được “đi trước” Giáo Hội để dạy điều gì Giáo Hội chưa dạy hay không dạy khiến  gây hoang mang cho giáo dân.

Liên quan đến việc cử hành các nghi thức phụng vụ và bí tích, không có luật nào cho phép chủ tế , sau khi chứng hôn phối, được mời đôi tân hôn lên bàn thờ để cùng “đồng tế” với mình như một vài linh mục đã làm. Bí tích hôn phối đâu phải là bí tích Truyền Chức Thánh mà lại ” phăng” đại ra như vậy?

Chưa hết, có linh mục còn đem đặt trên bàn thờ trẻ em vừa được rửa tội trước lễ !!!

Tại sao lại làm việc quái đản này? Căn cứ vào giáo lý  hay luật phụng vụ  nào cho phép làm việc này, hay chỉ vì không học hành kỹ  lưỡng mà tự  ý “phăng ra” nghi thức riêng của mình, một điều cấm kỵ theo luật phụng vụ và kỷ luật bí tích mà mọi linh mục trong Giáo Hôi đều có bổn phận phải  tuân thủ nghiêm ngặt.

Trẻ con hay người lớn được chịu phép rửa để được  tái sinh trong sự sống mới, được trở nên con cái Thiên Chúa và gia nhập Giáo Hội để sống đức tin hầu được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Nhưng phép rửa không biến trẻ con hay người lớn thành các thiên thần hay các thánh ngay , mà chỉ tẩy sạch  tội tổ tông (original sin) và mọi tội cá nhân (người lớn tân tòng) một lần mà thôi.

Như vậy đặt trẻ con mới rửa tội lên bàn thờ để lâm gì ? Với mục đích gì  ?

Chắc chắn  đây chỉ là sự phóng túng (fantaisie) về nghi thức phụng vụ cần phải chấm dứt để tránh gương xấu và  làm chia trí  cho giáo dân tham dự Thánh Lễ.

Đó là  đại cương những gì linh mục phải làm và không nên tự ý làm để phục vụ  tốt cho những lợi ích thiêng liêng  của giáo dân trong chức năng dạy dỗ và thánh hóa của mình.

III- Giáo dân giúp ích hay “làm hư” các linh mục cách nào ?

Như đã giải thích ở trên, linh mục rất cần thiết cho Giáo Hội và cho giáo dân vì không có linh mục thì không có các bí tích quan trọng và cần thiết như hòa giải, Thánh Thể và sức dầu bênh nhân.

Do đó,  điều cần thiết trước tiên là phải cầu nguyện nhiều cho các linh mục để các ngài  trở nên  đích thực là Đức Kitô thứ hai ( Alter Christus) như các Thánh Giáo Phụ xưa đã dùng danh hiệu này để nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của linh mục trong sứ mệnh là Tông Đồ , là chứng nhân cho Chúa Kitô trong trách nhiệm dạy dỗ, thánh hóa và chăm sóc giáo dân được trao phó cho mình phục vụ về mặt thiêng liêng. Với trọng trách này, linh mục là người thân cận nhất thay mặt cho Giám mục để “chăn chiên” theo gương Chúa Kitô, Đấng Chăn Chiên Lành. Tuy nhiên vì là con người như mọi người, nên linh mục không tránh được những khuyết điểm kể cả tội lỗi, vì chức thánh không biến đổi  nhân tính của linh mục  mà chỉ trao cho linh mục chức  năng  hay quyền thánh (competence & sacra potestas ) để  tế lễ và thánh hóa nhân danh Chúa Kitô  là Đầu ( in perona Capitis). Do đó, dù bất xứng đến đâu,  nhưng khi cử hành các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể và hòa giải  thì linh mục chỉ là thừa tác viên, và  chính Chúa Kitô mới  là Linh Mục  Thượng Phẩm ban các bí tích qua tay thừa tác viên con người là  linh mục. Như thế, đừng ai thắc mắc hay “bối rối”  khi tham dự Thánh Lễ hay đi xưng tội với một linh mục mà mình nghĩ  là có đời sống “bất xứng” nên cho rằng bí tích do linh mục đó cử hành không thành sự . Thực ra, Giáo Hội dạy rằng bí tích thành sự (validly) vì được cử hành đúng theo ý và công thức của Giáo Hội chứ không thành sự vì bản chất của thừa tác viên ( Ex Opere Operato).

Mặt khác, vì linh mục được mong đợi  sống tinh thần khó nghèo của Phúc Âm,  nên giáo dân không nên “làm hư” linh mục bằng cách đưa nhiều tiền khi xin lễ , thay vì trả  đúng bổng lễ theo qui định của Tòa Giám Mục. Nghĩa là không có nơi nào Giáo Quyền  khuyến khích hay cho phép nhận bổng lễ tới 20,  50 hay 100 dollars  cho một ý lễ cả. Dĩ nhiên linh mục không đòi hỏi nhưng nhiều giáo dân cứ  tự ý đưa nhiều tiền cho linh mục khi xin lễ khiến cho linh mục khó  sống “cái nghèo” của Phúc Âm mà  Chúa Kitô ” Người vốn giầu sang phú quý , nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh  em để lấy cái nghèo của mình  mà làm cho anh  em  trở nên giầu có.”( 2 Cor 8: 9).  Cũng trong tinh thần này, giáo dân cũng không nên tung tiền ra để mời cho đông linh mục đến đồng tế trong các dịp lễ cưới, lễ tang. Xin nhắc lại một lần nữa  là ơn Chúa ban cho người chết hay cho đôi tân hôn không hề  tùy  thuộc vào con số linh mục dâng lễ, nhất là không liên hệ gì đến số tiền lớn  nhỏ các gia chủ chi ra trong các dịp này. Nghĩa là ơn thánh không bao giờ mua được bằng tiền bạc. Cho nên  tốt nhất là không nên đưa “phong bì” cho các linh mục đến đồng tế  bất cứ dịp nào vì linh mục đến là vì thân tình với gia chủ chứ không nhằm lấy “phong bì” sau lễ. Do đó, giáo dân cần giúp cho linh mục sống tinh thần khó nghèo của Chúa Kitô để  nêu gương tốt cho người khác.

Lại nữa, những người làm việc trong các Hội Đồng mục vụ  ở các giáo xứ  trong và ngoài nước cũng không nên “lấy lòng” cha xứ để tổ chức kỷ niệm thụ phong hay sinh nhật của cha xứ hay cha phó  để các ngài  kiếm được nhiều tiền mừng nhờ dịp này. Cũng vì thích tiền nên một số cha đã mừng kỷ niệm thụ phong mới có một , hai năm làm linh mục  và “cha bố” cũng mừng “thôi nôi”được làm “cha cố” để cả hai cha con đều kiếm được quà mừng của giáo dân bất  đắc dĩ phải tham dự  và tặng quà, mặc dù đời sống của họ đang  gặp nhiều khó khăn.

Ở đâu không biết, nhưng ở Mỹ thì các linh mục đều được trả lương tối thiểu và mọi chi phí ăn ở, xe đi và bảo hiểm sức khỏe. Nên đời sống vật chất của ngài được coi là khá tốt đẹp, trừ ai muốn sang giầu có nhiều tiền cất đi.

Tóm lại, mọi linh mục đều được mong đợi sống đúng với chức năng và vai trò của mình trong sứ  vụ  dạy dỗ, thánh hóa và săn sóc giáo dân được trao phó cho mình phục vụ theo gương Chúa Kitô :” Người đến không phải để được người ta phục vụ , nhưng là để phục vụ và hiến  dâng  mạng sống làm giá chuộc muôn người.” ( Mt 20:  28)

Giáo dân có bổn phận giúp các linh mục chu toàn những trách nhiệm đó bằng lời cầu nguyện, nâng đỡ tinh thần nhưng không “làm hư” các ngài  bằng tiền bạc.

LM Phan xicô Xaviê Ngô Tôn Huấn