Giải đáp phụng vụ: Linh mục giải tội qua điện thoại được không?

–  Giải đáp phụng vụ: Linh mục giải tội qua điện thoại được không? 

–  Giáo Hội là công giáo và tông truyền 

–   Lòng tốt của Thiên Chúa – CN 25 A

Giải đáp phụng vụ: Linh mục giải tội qua điện thoại được không?

 

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, trong một trường hợp khẩn cấp, với một người đang ở giữa sự bất tỉnh và hôn mê nhưng trước đó đã có ý xưng tội, liệu linh mục có thể làm phép xá giải qua điện thoại cho người ấy được không? Một linh mục về đến nhà và nhận cú điện thoại, ngài cho biết đã ban phép xá giải cho người ấy ngay lập tức, từ khoảng cách xa 6,5km (4 dặm) – Kosher?

Đáp: Ngày 22-7-2014, tôi đã trả lời về việc linh mục có được ban phép lành qua điện thoại không. Nay một độc giả hỏi một câu cũng liên quan đến điện thoại, tôi xin trả lời như sau. Tôi nghĩ rằng chúng ta có hai câu hỏi khác nhau. Một là liệu phép xá giải có thể ban cho một người không thể thực hiện thực biện bí tích hòa giải vì nguy cơ gần chết không. Ở đây câu trả lời là được, mặc dù người ấy cần có nỗ lực để ý thức là linh mục đang ban xá giải cho mình. Nếu có thể, tốt hơn là nên ban bí tích xức dầu cho người ấy trong trường hợp như thế; vì bí tích xức dầu thánh cũng có hiệu quả tha thứ tội lỗi, khi bí tích giải tội không thực hiện được.

Câu hỏi thứ hai là tế nhị hơn: liệu có thể ban phép xá giải từ xa hoặc từ điện thoại được chăng? Ở đây quan điểm chung là không thể. Tất cả các bí tích đòi hỏi một hình thức hiện diện vật lý nào đó giữa thừa tác viên và người lãnh bí tích. Ngay cả luật trừ cho hôn nhân được ủy nhiệm cũng vẫn đòi hỏi sự hiện diện cá nhân của người được ủy nhiệm. Tương tự như vậy, một việc xá giải tập thể trong trường hợp khẩn cấp đòi hỏi sự hiện diện thể lý của những người lãnh ơn tha thứ tội lỗi.

Điểm này được chứng thực trong văn kiện “Giáo Hội và mạng Internet” của Hội đồng Tòa thánh về truyền thông xã hội. Xin trich dẫn:

“Thực tại ảo không thể thay thế cho sự Hiện Diện Thật Sự của Ðức Kitô trong Thánh Thể, cho thực tại bí tích của các bí tích khác, và cho việc chia sẻ thờ phượng trong một cộng đoàn nhân loại máu thịt. Không có bí tích nào trên Internet cả; và cả những cảm nghiệm tôn giáo, có thể xảy ra ở đó nhờ hồng ân của Thiên Chúa, cũng không đủ để tách biệt khỏi sự giao tiếp trong thế giới thực với những anh chị em cùng đức tin”(số 9, bản dịch Việt ngữ của G. B. Đặng Minh An, Vietcatholic).

Đoạn này chỉ cập nhật các giáo huấn trước đây. Ví dụ, việc ban xá giải qua điện báo đã được công bố là vô hiệu bởi một Ủy ban Tòa Thánh, và điều này được nói lại ngày 1-7-1884 liên quan đến điện thoại. Hầu hết các nhà thần học cho rằng một câu trả lời tiêu cực trong một trường hợp như thế là giáo huấn Công Giáo vững chắc.

Câu trả lời sẽ vẫn không thay đổi, bởi vì câu hỏi liên quan đến một người hôn mê gần chết, mà nơi người ấy ấn tín bí tích hoặc việc xác định sự thống hối trọn vẹn của hối nhân không tham gia vào.

Câu hỏi về tính vô hiệu xoay quanh bản chất liên vị cốt yếu của các bí tích. Bí tích không phải là nghi thức ma thuật, nhưng là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, mà trong đó thừa tác viên là công cụ nhân linh của cuộc gặp gỡ liên vị ấy.

Điều này không có nghĩa rằng một người trong trạng thái này bị tước mọi sự hỗ trợ thiêng liêng. Theo Bộ Giáo Luật, điều 960 : “Việc thú tội cá nhân và toàn vẹn cùng với việc xá giải cấu tạo nên phương cách duy nhất và thông thường, nhờ đó người tín hữu ý thức mình có tội nặng được hòa giải với Thiên Chúa và Giáo Hội. Chỉ sự bất khả kham về thể lý hay luân lý mới chuẩn khỏi cách thú tội như vậy; trường hợp ấy, người ta có thể lãnh ơn hòa giải bằng những cách khác” (Bản dịch Việt ngữ do các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh thực hiện)

Các phương thức như thế, chẳng hạn là một hành vi thống hối trọn vẹn (xem Điều 916), được thực hiện rõ ràng trước khi rơi vào bất tỉnh, và nhiều phương thức khác, vốn không được nói rõ trong các văn kiện Giáo Hội, nhưng Chúa làm cho chúng đạt tới hối nhân trong lòng thương xót của Ngài. 

Trong ánh sáng này, chúng ta có thể nhớ lại thánh Anphong Ligouri, trong cuốn sách của ngài về dọn mình chết lành, thích thú biết bao khi trích dẫn vài câu trong sách Khôn ngoan (3,1-4): “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang hưởng an bình. Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử” (bản dịch Việt ngữ của Nhóm CGKPV).

Thánh Anphong nói tiếp: “Linh mục thánh Colombière chủ trương rằng thật là bất khả về luân lý khi một người sống trung thành với Chúa suốt đời lại chết một cái chết dữ. Và trước thánh nhân, thánh Âutinh đã nói: “Ai đã sống lành thì không thể chết dữ. Ai đã chuẩn bị chết thì không sợ chết, dù là đột ngột chăng nữa” (De Disc. chr., c. 12)”. (Zenit.org 20-8-2014)

 

Nguồn Vietcatholic News

Giáo Hội là công giáo và tông truyền

  

Khi tuyên xưng đức tin chúng ta khẳng định rằng Giáo Hội công giáo và tông truyền, nghĩa là Giáo Hội đại đồng vì được phổ biến khắp nơi và được sai đi loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, không phân biệt ai.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 17-9-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích hai từ ”công giáo” và ”tông truyền” rồi áp dụng vào cuộc sống cụ thể của tín hữu. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa từ ”công giáo” bằng cách trích lại định nghĩa của thánh Cirillo thành Giêrusalem như sau:

”Giáo Hội chắc chắn được gọi là công giáo nghĩa là đạị đồng, vì sự kiện Giáo Hội được phổ biến khắp nơi từ biên giới này tới biên giới kia của trái đất; và bởi vì Giáo Hội dậy tất cả các sự thật phải đến với sự hiểu biết của con người liên quan tới các sự trên trời cũng như các sự dưới dất một cách phổ quát và không khiếm khuyết” (Giáo lý XVIII, 33),

Dấu hiệu hiển nhiên của tính cách công giáo đó là Giáo Hội nói tất cả mọi thứ tiếng. Và điều này không gì khác hơn là kết qủa của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (x. Cv 2,1-13): thật thế, chính Chúa Thánh Thần đã cho các Tông Đồ và toàn Giáo Hội làm vang lên Tin Mừng của ơn cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Giáo Hội sinh ra đã là công giáo, ngay từ đầu đã là ”hòa tấu” và chỉ có thể là công giáo, được dự phóng cho việc rao truyền Tin Mừng và gặp gỡ tất cả mọi người. Ngày nay Lời Chúa được đọc trong mọi thứ tiếng, mọi người đều có sách Tin Mừng trong tiếng của mình để đọc. Và tôi xin trở lại cùng ý niệm này: đó là chúng ta hãy đem theo một sách cuốn Tin Mừng nhỏ trong túi, trong xách tay, và trong ngày đọc một đoạn. Điều này sinh ích lợi cho chúng ta. Tin Mừng được phổ biến trong mọi thứ ngôn ngữ, bởi vì Giáo Hội, lời loan báo Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế, ở khắp nơi trên thế giới.

Nếu Giáo Hội sinh ra đã là công giáo, thì có nghĩa là Giáo Hội đã sinh trong tư thế ”đi ra ngoài”, là thừa sai. Nếu các Tông Đồ đã ở lại đó trong Nhà Tiệc Ly, mà không đi ra và đem Tin Mừng, thì Giáo Hội sẽ chỉ là Giáo Hội của dân tộc ấy thôi, của thành phố ấy, của Nhà Tiệc Ly ấy. Nhưng tất cả đã ra đi khắp nơi trên thế giới, từ lúc Giáo Hội khai sinh, từ lúc Chúa Thánh Thần xuống trên các vị. Vì thế Giáo Hội sinh ra đã đi ra, nghĩa là truyền giáo.

Và đó là điều mà chúng ta diễn tả bằng tính từ ”tông truyền”, bởi vì apostolos là người được sai đi loan báo tin vui sự phục sinh của Chúa Giêsu. Từ này nhắc nhớ chúng ta rằng Giáo Hội, được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ và trong sự tiếp nối với các vị, các Tông Đồ đã ra đi thành lập các các Giáo Hội mới, đã cắt cử các giám mục mới, và như thế trên toàn thế giới, liên tục. Ngày nay chúng ta tất cả tiếp nối nhóm các Tông Đồ đã nhận được Chúa Thánh Thần rồi ra đi rao giảng, được sai đi đem lời loan báo Tin Mừng tới cho tất cả mọi người, đi kèm với các dấu chỉ sự hiền dịu và quyền năng của Thiên Chúa. Cả điều này nữa cũng phát xuất từ biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống: thật thế, chính Chúa Thánh Thần thắng vượt mọi kháng cự, chiến thắng cám dỗ tự khép kín trong chính mình, giữa ít người được tuyển chọn, và coi mình là những người duy nhất nhận được phước lành của Thiện Chúa.

Chẳng hạn nếu vài kitô hữu làm điều này và nói: ”Chỉ có chúng tôi mới là những người được tuyển chọn thôi”, sau cùng họ chết. Họ chết trong linh hồn trước, rồi chết trong thân xác, bởi vì họ không có sự sống, không có khả năng sinh ra sự sống, sinh ra người khác, sinh ra các dân tộc khác: họ không phải là các tông đồ.

Và chính Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta tởi chỗ gặp gỡ các anh em khác, kể cả những người xa xôi nhất trong mọi nghĩa, để họ có thể chia sẻ với chúng ta tình yêu thương, hòa bình, niềm vui mà Chúa phục sinh đã để lại cho chúng ta.

Vậy sự kiện là thành phần của Giáo Hội công giáo và tông truyền bao gồm điều gì đối với các cộng đoàn và từng người trong chúng ta? Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi này như sau:

Trước hết nó có nghĩa là lưu tâm tới ơn cứu rỗi của toàn nhân loại, không thờ ơ hay lạ lùng trước số phận của biết bao nhiêu các anh chị em của chúng ta, nhưng cởi mở và liên đới với ho. Ngoài ra nó còn có nghĩa của sự trọn vẹn, của sự bổ túc, của sự hòa hợp của cuộc sống kitô, luôn luôn khước từ các lập trường thiên vị, một chiều tự khép kín trong chính mình.

Là thành phần của Giáo Hội tông truyền có nghĩa là ý thức được rằng đức tin của chúng ta được bỏ neo nơi lời loan báo và chứng tá của chính các Tông Đồ của Chúa Giêsu; và vì thế cảm thấy mình luôn luôn được gửi đi, được sai đi, trong niềm hiệp thông với những người kế vị các Tông Đồ,

loan báo Chúa Kitô và tình yêu của Người cho toàn nhân loại với con tim tràn đầy niềm vui.

Ở đây tôi muốn nhớ tới cuộc sống anh hùng của biết bao nhiêu thừa sai nam nữ đã bỏ quê hương của mình để ra đi loan báo Tin Mừng cho các quốc gia khác, trên các đại lục khác. Có một Hồng Y người Brail nói với tôi rằng ngài làm việc khá nhiều tại vùng Amazzonia. Mỗi khi đến một vùng hay một thành phố, ngài luôn luôn đến nghĩa trang để thăm mộ của các thừa sai, các linh mục, tu huynh và nữ tu đã ra đi rao giảng Tin Mừng. Các vị là các tông đồ. Và ngài nghĩ rằng tất cả các thừa sai này đều có thể được phong thánh ngay bây giờ, các vị đã bỏ tất cả để ra đi loan báo Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì Giáo Hội đã có biết bao nhiêu thừa sai và còn cần có nhiều thừa sai hơn nữa! Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì điều đó. Có lẽ trong số các bạn trẻ nam nữ hiện diện tại đây có vài người muốn trở thành thừa sai. Hãy tiến lên! Thật là đẹp đem Tin Mừng của Chúa Giêsu tới với người khác. Hãy can đảm lên!

Vậy chúng ta hãy xin Chúa canh tân nơi chúng ta ơn của Chúa Thánh Thần, để mọi cộng đoàn kitô và từng tín hữu được rửa tội diễn tả mẹ Giáo Hội thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu đến từ các nước Pháp, Canada, Anh quốc, Êcốt, Nam Phi, Đan Mạch, Na Uy, Trung quốc, Nhật Bản, Sri Lanka, Australia và Hoa Kỳ. Ngài cũng chào tín hữu đến từ các nước nói tiếng Đức, Tây Ban Nha, Mêhicô, Panama, Nicaragua, Argentina, Perù, Chilê, Bồ Đào Nha và Brasil.

Chào các tín hữu nói tiếng A Rập đến từ Thánh Địa và vùng Trung Đông Đức Thánh Cha khích lệ họ như sau: ”Ôi, con cái của các vùng đất thánh thiện, từ đó ánh sáng lời loan báo đã đi ra cho tới các bờ cõi trái đất, hãy luôn là những người can đảm tươi vui đem sứ điệp cứu độ, sự thật và phước lành tới cho mọi người. Xin Chúa chúc lành và luôn che chở anh chị em”.

Chào các tín hữu Ba Lan ngài nhắc tới lễ nhớ thánh Stanislao Kostka dòng Tên, bổn mạng giới trẻ, thứ năm hôm nay; và cầu mong gương sống của thánh nhân, ước ao nên thánh ngay từ thời niên thiếu và trung thành với các lý tưởng kitô, nêu gương cho giới trẻ bảo vệ các giá trị cao qúy.

Đức Thánh Cha cũng xin tín hữu cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ngài tại Albania, là quốc gia đã đau khổ nhiều vì chế độ cộng sản vô thần, vào Chúa Nhật tới đây.

Trong các nhóm nói tiếng Ý Đức Thánh Cha đặc biệt chào các Nũ tu dòng bệnh viện Lòng Thương Xót, các nữ thừa sai Đức Bà An Ủi, và các Nữ Tu hiến sinh thánh Giuse đang họp Tổng Tu Nghị tại Roma. Ngài cũng chào các tham dự viên khóa hội học do Caritas quốc tế và Hội quan sát quốc tế về Giáo huấn xã hội của Hội Thánh tổ chức.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc tới lễ nhớ thánh Roberto Bellarmino. Ngài cầu mong sự gắn bó với Chúa chỉ cho người trẻ thấy Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Ngài xin thánh nhân trao ban can đảm cho các anh chị em đau yếu trong những lúc tối tăm của thập giá bệnh tật; và khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới xây dựng cuộc sống hôn nhân trên Chúa Kitô.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

LÒNG TỐT CỦA THIÊN CHÚA – CN 25 A

  

Thánh Gioan Phaolô II đã viết trong Tông huấn “Christi Fideles Laici” về ơn gọi và và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới : “Những thành phần giáo dân trong dân tín hữu Chúa Kitô… hình thành nên Dân Chúa có thể được so sánh với những người làm trong vườn nho được nhắc tới trong Tin Mừng Matthêu…“Anh cũng đi vào vườn nho”…Tiếng gọi là một quan tâm không những cho các Mục tử, các giáo sĩ, những người nam và nữ tu sĩ. Tiếng gọi được gởi tới mọi người; những người giáo dân thường cũng được Chúa kêu gọi đích danh, từ Người họ nhận lãnh một sứ vụ vì Giáo Hội và vì thế giới” (số 1-2).

 

Dụ ngôn “ thợ làm vườn nho” với hình ảnh ông chủ vườn nho năm lần đi kiếm người làm vườn vào những thời điểm khác nhau chứa đựng một huấn giáo thiêng liêng: lòng quảng đại vượt trên lẽ công bình,Thiên Chúa kêu gọi mọi người vào hưởng hạnh phúc là do lòng tốt của Ngài.

 “Quả thế, về Nước Trời thì cũng như một gia chủ kia, ngay vừa tảng sáng, đã ra thuê thợ cho vườn nho của ông …”. Giữa một “chợ người” ít việc nhiều người, các ông chủ ra thuê thợ làm việc và trả công nhật.

Chúa Giêsu đã quan sát và lấy hình ảnh cụ thể này ở Do thái để mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Người kể dụ ngôn ông chủ vườn nho với các thợ làm việc các giờ khác nhau trong ngày.

Tiền công nhật là 1 đồng, giá thỏa thuận đôi bên.Gia chủ thuê thợ làm vườn nho vào các giờ giấc khác nhau.

Ở Do thái một ngày bắt đầu từ lúc 6 giờ chiều :

      –  3 giờ là 9 giờ sáng

      –  6 giờ là 12 giờ trưa

      –  9 giờ là 3 giờ chiều 

      –  11 giờ là 5 giờ chiều

 

 1. Lòng ghen tị

 

Theo lệ thường, công nhật sẽ chấm dứt lúc 12 giờ tức là 6 giờ chiều. 5 giờ chiều ông chủ còn ra thuê nhân công. Những người làm từ giờ 11, họ chỉ làm việc 1 giờ là nghĩ. Trong khi đó người làm từ sáng, lao động 12 giờ. Vậy mà cuối ngày khi trả lương, ông chủ lại trả bắt đầu từ người sau hết là 1 đồng. Những người làm trước tưởng là được nhiều hơn, nhưng cũng chỉ 1 đồng mà thôi. Họ phản đối, họ trách móc vì họ bị hai thiệt thòi: kẻ khác làm 1 giờ mà họ 12 giờ, kẻ khác làm lúc trời đã mát mẻ, họ làm cả ngày dưới trời nắng gió nóng của miền Địa Trung Hải. Họ hụt hẫng và khó chịu với chủ. Nếu ông chủ trả lương cho người làm sau ít hơn, chắc họ chẳng hề tỏ vẻ khó chịu. Nếu họ không hay biết số tiền mà ông chủ trả cho người làm sau chắc là họ vui vẻ và biết ơn khi trở về nhà. Nhưng vì biết được nên họ giận dữ và ghen tị. Rõ ràng người ghen tị không vui được với người vui, vì họ không biết yêu thương. Họ coi người kia là kẻ thù, chứ không là bạn. Vì vậy, sự thành công của ai đó đã trở thành mối đe dọa, ghen tức.

Lòng ghen tị đã xuất hiện từ khởi thuỷ loài người. Cain ghen tị với em trai là Aben chỉ vì lễ vật của Aben được Chúa thương chấp nhận, còn lễ vật của Cain bị khước từ. Lòng ghen tị đã xui khiến Cain giết em. Đavít là vị anh hùng tài hoa trẻ tuổi đã lập được chiến công oanh liệt, cứu nguy cho dân quân Ítraen bằng cách giao chiến một chọi một với tên Gôliát khổng lồ thuộc phe Philitinh, hạ gục y chỉ bằng một phát ná bắn đá và dùng chính thanh gươm của y mà chặt đầu y. Thế rồi quân Ítraen thừa thắng xông lên như nước vỡ bờ, tràn lên giết hại rất nhiều quân Philitinh thù nghịch. “Khi Đavít thắng trận trở về, phụ nữ từ hết mọi thành của Ítraen kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Saun, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. Họ ca hát rằng: “Vua Saun hạ được hàng ngàn, ông Đavít hàng vạn”. Thế là từ lúc ấy, lòng ghen tị sục sôi trong lòng vua Saun, khiến nhà vua phóng giáo vào Đavít đang khi Đavít gảy đàn cho vua nghe. May thay Đavít kịp né mình thoát chết trong gang tấc. Rồi sau đó, vua lùng sục Đavít tận thâm sơn cùng cốc, quyết hạ sát cho bằng được vị anh hùng kiệt xuất nầy. (1Sam 17-18).

Lòng ghen tị làm xấu đi những tương quan tốt đẹp vốn có giữa anh em bạn bè. Lòng ghen tị còn xui khiến người ta làm hại nhau, làm cho xã hội chậm tiến và kém phát triển.

2. Lòng tốt

 

Ông chủ trả lương như vậy có bất công không? Chắc chắn là không vì ông trả đủ số tiền đã thỏa thuận là 1 đồng. Vì người ghen tị lầm bầm than phiền nên ông trả lời: Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn, bạn chẳng thỏa thuận với tôi là 1 đồng hay sao? Cầm lấy phần bạn mà về đi, còn tôi, tôi muốn cho ai là tùy tôi, chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt là những gì của tôi sao? Hay vì tôi tốt bụng mà bạn ghen tức ?

Đây là điểm chính của dụ ngôn. Hành động của ông chủ không phải là do ông bất thường, bất công, nhưng do ông chủ tốt lành.Tốt ở chỗ là không muốn ai phải thua thiệt sút kém. Ông muốn ai cũng may mắn, ai cũng có tiền về nuôi gia đình. 1 đồng ông phát cho người làm giờ 11 không phải là do công bình. Đồng bạc ấy là do lòng tốt của ông ban tặng.

 

Gia chủ là Thiên Chúa. Các tay thợ là loài người nhận ra Thiên Chúa qua nhiều thời kỳ khác nhau. Thợ làm giờ thứ 11 là người tội lỗi. Làm vườn nho là vào Nước Trời và thực thi luật pháp Nước Trời. Các thợ cằn nhằn là nhóm Pharisiêu, Luật sĩ. Họ ghen tương vì Chúa Giêsu đối xử khoan dung với người tội lỗi, yêu thương dân ngoại. Các thợ làm ít lãnh nhiều là các người ngày hôm qua sống trong tội lỗi, ngày hôm nay là công dân Nước Trời.

1 đồng là vé vào Nước Trời. Kẻ làm trước người làm sau, tất cả đều được Thiên Chúa ban cho Nước Trời. Thiên Chúa ban cho ai là do lòng tốt của Ngài. Yếu tố chính Đức Giêsu nhấn mạnh là Thiên Chúa rộng rãi vô cùng. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đối xử rất nhân từ với mọi người. Đặc biệt đối với dân ngoại là những người được gọi vào Giáo hội qua những giờ sau hết. Đối với những người này, Thiên Chúa cũng ban cho mọi quyền lợi và đặc ân như người Do thái là những kẻ được gọi từ đầu. Thiên Chúa nhìn nhận sự việc theo lòng lân tuất của Ngài. Con người nhìn theo quyền lợi, tính toán hơn thiệt. Thiên Chúa ân thưởng, trả công cho ai tùy theo lòng tốt của Ngài. Thiên Chúa trả công không làm thiệt hại ai, luôn công bằng.

 

Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn minh chứng rằng: trong cách thức hành động của mình, Thiên Chúa không đi theo những qui tắc lề luật của sự công bình hạn hẹp, cứng nhắc. Ngài chỉ thực thi theo sự tốt lành của mình, theo thúc đẩy bởi tình yêu của mình. Ngài hào phóng trong tình thương xót và hoàn toàn tự do trong các việc thiện hảo.

 

3. Sứ điệp

 

Dụ ngôn “thợ làm vườn nho”, cho thấy rõ sự trái ngược giữa lòng tốt của gia chủ và lòng ghen tị của những người thợ vào vườn nho từ sáng sớm. Thiên Chúa mở rộng vòng tay đón nhận mọi người, còn chúng ta thì khép chặt lại không muốn tiếp nhận ai. Thiên Chúa nhìn thấy sự đáng thương của những người chưa được làm con cái Ngài, còn chúng ta chỉ nhìn những người anh chị em này một cách tiêu cực và vênh vang cho rằng mình tốt hơn họ. 

 

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đối xử nhân hậu với người khác. Hãy tránh xa lối nhìn thiển cận theo cảm tính, theo tính vị kỷ, theo quyền lợi cá nhân. Không nên ghen tị khi người khác có tài đức hơn, giàu có hơn, xinh đẹp hơn. Hãy bằng lòng với cái mình đang có và cố gắng phát triển nó lên. Ai cũng được Chúa ban cho những khả năng khác nhau. Người 5 nén, người 2 nén, người 1 nén. Ngày ra trước mặt Chúa, Chúa không hỏi: con đã làm những gì, làm ông này hay bà nọ. Chúa chỉ hỏi về lòng mến, mến Chúa và yêu thương tha nhân. Con đã yêu mến Thầy và tha nhân không ? Chính tình yêu trong công việc là thước đo mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta. Đó là cung cách sống đạo đền đáp hồng ân.

 

Hồng ân là một ơn ban dựa vào lòng tốt của người ban ơn. Hồng ân làm cho người lãnh nhận tràn đầy lòng biết ơn. Công lao là tính toán dựa trên công sức người làm việc. Công lao thì cần phải đòi lại điều gì tương xứng bằng tiền lương, bằng đền bù, bằng trả lại theo lẽ công bằng.

 

Như thế, có một sự khác biệt lớn giữa kiểu sống đạo dựa trên hồng ân và kiểu giữ đạo nhằm vào công trạng. Người ta có thể chấp nhận “giữ đạo” để được “lên thiên đàng”. Nhưng người ta cũng có thể “sống đạo” chỉ vì muốn đền đáp một chút nào hồng ân bao la của Thiên Chúa. Kiểu giữ đạo theo công trạng sẽ làm cho người Kitô hữư trở thành “nô lệ”, thành “kẻ làm công”. Cách sống đạo như một hồng ân làm cho người Kitô hữu trở thành con cái hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhờ đó Kitô hữu sẽ nhận ra hồng ân của Chúa nơi mọi sự, khắp mọi nơi, trong mọi lúc, tràn ngập cuộc đời, để biết hân hoan ca tụng Chúa, biết vui mừng vì hồng ân Chúa nơi anh chị em của mình.

 

Những người thợ được thuê làm vườn nho vào những giờ khác nhau, đó là hình ảnh những người được mời vào Giáo hội qua Bí Tích Rửa Tội vào những tuổi đời khác nhau. Sống trong Giáo hội, mọi người đều là con cái của Chúa, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Ai cũng được Thiên Chúa yêu thương. Đã là yêu thương thì không còn đứng trong ranh giới công bình.Thiên Chúa thưởng công cho ai là tùy lòng tốt của Ngài. Cùng nhau làm việc Tông Đồ Truyền Giáo là bổn phận mỗi người Kitô hữu. Phần thưởng là do lòng tốt Chúa ban. Như thế chúng ta sẽ xây dựng được Nước Trời giữa trần gian.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An