Đức Mẹ… lộ hình

Nghe tin cha chánh xứ tổ chức hành hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre còn gọi là Đức Mẹ…Lộ Hình, tôi rất háo hức, đăng ký xin đi. Khoảng năm 1930, linh mục Luca Sách, chánh xứ Cái Bông đến thành lập họ đạo Sơn Đốc và tặng cho nhà thờ này bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đến năm 1947, quân Pháp có cuộc hành quân bố ráp trong vùng, buộc 11 gia đình của họ đạo phải tản cư xuống Đầm Dơi nay thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, ông trùm họ Nguyễn Văn Hạt lén vào nhà thờ  đem bức ảnh về nhà mình, sau đó đưa cho con trai cất giữ. Năm 1949 họ đạo Bầu Dơi  thành lập và được  đức cha Phero Martino  Ngô Đình Thục  đặt tên mới là họ đạo La  Mã.

Ngày 02/2/1950 quân  Pháp lại bố ráp và trong lần chạy loạn này, một giáo dân mang tấm ảnh đi nhưng  không hiểu vì lý do gì đã bị rớt xuống sông. Khoảng 03 tháng sau, một tín đồ đạo Cao Đài đi mò cua bắt ốc…vô tình  vớt được đưa lại cho ông Thành con trai của ông trùm  Hạt. Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp  nằm trong bùn mấy tháng nên đã không còn hình ảnh gì nữa, được ông thành gác lên mái lá ( chắc để…chữa dột ? ).

Ông Hạt trong lần đến thăm người con trai thấy vậy bèn đem về nhà  đặt trên  tủ thờ vì vẫn  nghĩ đó là ảnh Đức Mẹ dù không còn hình ảnh gì cả. Quân Pháp trong một trận càn tiếp đó chạy ca nô dọc bờ kinh, bắn phá bừa bãi  vào nhà dân. Nhà ông  Hạt cũng như các nhà khác gần bên cũng bị bắn tơi tả nhưng duy chỉ có bàn thờ và  ảnh Đức  Mẹ thì không hề hấn gì.

Sau đó ít lâu thì có  hiện tượng lạ xảy ra, ảnh Đức  Mẹ dần dần hiện rõ, duy chỉ có triều tiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa Giê Su  thì chưa hiện lên, đó là phép lạ lần thứ nhất.

Sau sự kiện này, ông Hạt đã đưa bức ảnh vào nhà thờ họ và từ đó tin đồn  về sự lạ  được lan ra, nhiều giáo dân và cả lương dân quanh vùng đến đọc  kinh xin khấn đều được chữa khỏi.

Ngày 15/8/1951, lễ Đức  Mẹ Mông Triệu, Lm quản xứ đã cung nghinh bức ảnh từ họ đạo La Mã đến họ đạo Cái Sơn. Trong thời gian  tổ chức lễ, các giáo dân lại chứng kiến bức ảnh một lần nữa biến đổi: Mũ triều thiên  trên đầu Đức Mẹ và Chúa Giê Su  hiện ra cách rõ ràng, đây là phép lạ lần thứ hai.

Lịch sử Giáo Hội  ghi nhận nhiều lần Đức  Mẹ hiện ra, chẳng hạn Lộ Đức năm 1858 với Bernadette, năm 1917 với ba trẻ chăn chiên, Phatima. Tại La Vang và Trà Kiệu  những năm cấm đạo dữ dội nhất thời Minh Mạng, Tự Đức …

Trong những lần như thế, Đức  Mẹ đều thể hiện  lòng lân tuất vô bờ của Ngài với con cái trong cơn nguy khốn và rồi kể từ đó những Trung  Tâm Hành Hương  đã được khai sinh để cho giáo dân khắp nơi tuốn về kính viếng, xin ơn. Đức Mẹ…Lộ Hình La Mã, Bến Tre ngày nay là một trong ba Trung  Tâm Hành Hương được Giáo Hội công nhận.

Ý nghĩa việc hành hương chính là để cho ta trở về  quê hương chân thật  là Nước Thiên Đàng đời đời. Trên con đường trở về ấy, chắc chắn chúng ta  không thể thiếu vắng Đức Mẹ là Đấng cầu bầu, chở che.

Mặc dầu  không thể thiếu vắng Mẹ nhưng rất nhiều khi, người Công Giáo chúng ta  lại không nhận ra điều hệ trọng  ấy. Điều này cũng giống như một đứa con thơ  làm sao không cần đến bầu sữa và tình thương của người mẹ ?

Còn nhớ vào khoảng tháng 7 hay 8 năm 1964, trước  khi đổi từ QĐ II  ( Plei ku ) về SĐ 23 ( Banmethuot ) tôi có 07 ngày phép về thăm nhà. Vào những ngày tháng sau đảo chính 1/11/1963, Sai Gòn như trong một…chảo lửa sôi sục. Giữa Phật giáo và Công giáo hừng hực bầu khí đấu tranh. Miền Trung ( Huế ) bàn thờ Phật …xuống đường. Giáo dân Thanh Bồ ( Đà Nẵng )…quyết chiến !.

Ngay ngày phép thứ hai, tôi cùng với một người bạn thân ( Tịnh ) cũng…mò lên tham dự biểu tình lớn gồm đa số là giáo dân các miền Hố Nai, Gia Kiệm, Chí Hòa, Xóm Mới….đổ về chật cứng con phố  Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn…hướng về khán đài trước trụ sở Quốc Hội.

Dưới đất  khí thế hừng hực, còn trên trời thì bầu trời xám xịt u ám báo hiệu cơn mưa, bỗng chốc tiếng hát từ loa phóng thanh vang lên bi thiết:

“ Mẹ ơi ! Đoái thương xem nước Việt Nam, 

Trời u ám, chiến tranh điêu tàn…

Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an 

Cho Việt Nam qua phút nguy nan…

Những ca từ của bài hát  vỏn vẹn có  mấy câu như thế  được lập lại vài lần đã khơi dậy một mối đồng cảm sâu xa  về cái thảm trạng của đất nước khi ấy, dâng lên Đức Mẹ, mong cho hòa bình đến trên quê hương đất nước thoát khỏi nạn binh đao khói lửa….Mãi về sau  mới được biết tác giả  bài hát đã đi vào dĩ vãng  xa xôi ấy là của nhạc sĩ Hải Linh, một tên tuổi lớn của dòng nhạc Công Giáo ?

Thế nhưng thực tế đời sống có được như lời cầu đâu ? Chiến tranh ngày càng lan rộng, khốc  liệt, quân Mỹ  đổ vào VN ngay trong năm ấy để sẵn sàng cho một cuộc chiến…vô vọng.

Mấy ngày sau tôi trở về đơn vị và mãi  đến hơn mười năm sau, lúc 11 giờ sáng ngày 30 tháng 4/75 mới…rã ngũ trở về với ngày tháng gian khổ đói nghèo vất vả  nương rẫy, ngô khoai !

Chiến tranh quả thật đã chấm dứt, không còn pháo kích, bom rơi đạn nổ,  ngao ngán với những tin chiến cuộc trên các làn sóng phát thanh, truyền hình…Hòa bình chẳng thấy đâu chỉ thấy lòng người ly tán, sự thù hận được bên thắng cuộc  khơi lên bằng các trại gọi là…cải tạo khiến bao gia đình đổ vỡ, nát tan !!!

Tuy nhiên trong cái hoàn cảnh dường như vô vọng ấy thì sự hồi sinh đã nhen nhóm để rồi ngày càng được khơi lên như đốm lửa trong đám tro tàn. Nói rõ hơn, chỉ trong gian khó, con người mới tìm ra  ý nghĩa của đời  mình.

Bản thân tôi ngày ấy so với vô vàn vô số người khác, kể cả những ông bạn thân thời  niên thiếu, kẻ thì đi tù, kẻ thì vượt biên chết mất xác ngoài biển thì kể ra  mình  vẫn còn… hạnh phúc lắm. Tuy nhiên  niềm hạnh phúc lớn lao nhất của tôi đó là  tìm ra ý nghĩa chân thực của đời sống  sau khi đã trải qua vài lần vấp ngã.

Nhờ ơn Đức Mẹ, tôi  gặp được Pháp Môn Tịnh Độ, Đại Thừa Phật giáo qua phép lần hạt Mân Côi. Đức Mẹ…Lộ Hình, trước hết để dành cho  giáo dân xóm đạo mà đức cha Phê rô Martino đặt tên cho là họ đạo La  Mã qua một tín đồ đạo Cao Đài…vô tình lượm được  khi  mò cua bắt ốc. 

Đúng ra thì không có cái chi gọi là…vô tình kể cả trong lãnh vực đời thường cũng như tâm linh. Việc tôi…trở lại cũng vậy cũng là nhờ ơn Đức Mẹ, Ngài đã theo đuổi, gìn giữ bảo bọc tôi không biết từ  bao giờ. Nhưng cụ thể  là trong một  buổi tối  kia  sau khi  trở lại được ít lâu  cùng với ông trùm khu đi đọc kinh xóm, tôi đã bắt gặp ánh mắt nhân từ, từ  ảnh Trái Tim Đức Mẹ dường như  đang chăm chú nhìn. Từ ngày ấy đến nay đã gần 40 năm không một ngày nào mà  tôi không lần ít nhất là một Chuỗi Mân Côi.

Trên đường trở về  từ Trung Tâm Đức Mẹ HCG  Lộ Hình tối  qua, đi cùng chuyến xe với ông trùm Dương, ông đề nghị cả nhóm lần hạt luôn cả ba Mùa Vui, Thương, Mừng. Xe vẫn lao đi vùn vụt trong màn đêm, những ánh đèn điện lấp loáng thoáng hiện thoáng ẩn cùng  những lời kinh Kính Mừng, Thánh Maria  nối tiếp  của những bà Trà Cổ hôm nay nghe mới…khỏe khoắn và ấm áp  làm sao !

Phùng  Văn  Hóa