Đức giám mục mong muốn có thêm nhiều người Công giáo tham gia chính trị

Các giá trị Công giáo có thể giúp xử lý các tệ nạn xã hội như hối lộ và chủ nghĩa bè phái

Bogor-prelate.jpg
Đức cha Paskalis Bruno Syukur của Bogor phát biểu tại
đại hội Tổ chức Giới trẻ Công giáo ở Bogor, Tây Java
hôm 28-10. Đức cha phát biểu với đại hội ngài muốn
thấy có thêm nhiều người Công giáo tham gia chính trị.
Ảnh: Yulianus Jempau

 

Một giám mục Indonesia đang khuyến khích giáo dân Công giáo tham gia chính trị nhiều hơn nữa, và nói rằng chỉ phê phán chính sách của chính phủ là chưa đủ.

Phát biểu tại đại hội Tổ chức Giới trẻ Công giáo toàn quốc của Indonesia diễn ra từ ngày 27-29/10, Đức cha Paskalis Bruno Syukur của Bogor nói Giáo hội mong muốn giáo dân nắm giữ chức vụ trong các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Ngài nói Indonesia vẫn đang chiến đấu chống lại các vấn nạn nghiêm trọng, bao gồm tham nhũng, chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

“Tham gia chính trị, người Công giáo mới có thể hy vọng tạo ra thay đổi bằng cách đẩy mạnh các giá trị công bằng, lương thiện, hiệp nhất, hòa bình và tôn trọng con người như Giáo hội đã dạy”.

“Các giá trị cần phải được phản ánh mạnh mẽ trong đời sống chính trị-xã hội”, đức cha, còn là chủ tịch ủy ban giáo lý hội đồng giám mục, kêu gọi.

Theo số liệu thống kê của chính phủ, người Công giáo chiếm 2,9% (7,5 triệu) dân số. Mặc dù không có số liệu chính xác về số người Công giáo tham gia chính trị, Đức cha Syukur cho biết con số này cực kỳ nhỏ.

Indonesia sẽ tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống vào năm 2019 và bầu cử thống đốc vào năm tới.

Giáo dân cần phải xem các cuộc bầu cử này là cơ hội để tham gia chính trị, Đức cha Syukur khuyên.

“Các tổ chức giáo dân Công giáo phải có ước mơ lớn và hy vọng nhìn thấy nhiều thành viên có thể tham gia xây dựng đất nước này”.

Đức cha Syukur chỉ ra những nhân vật Công giáo lỗi lạc trong quá khứ, bao gồm Ignatius Joseph Kasimo Hendrowahyono, một chính trị gia và là nhà sáng lập đảng Công giáo của đất nước này được vinh danh là anh hùng dân tộc năm 2011.

“Ông ấy tin vào đạo Công giáo, nhưng đồng thời cũng cống hiến đời mình cho đất nước”, ngài nói.

Karolin Margret Natasha, nữ chủ tịch Tổ chức Giới trẻ Công giáo, nói tăng cường tham gia chính trị là một trong những mục tiêu chính của tổ chức.

Một trong những trở ngại chính đối với người Công giáo đó là nhiều người ngại tham gia vì họ ý thức rằng họ xuất thân từ một cộng đồng thiểu số nhỏ.

“Tuy nhiên, một số người nhận thức rằng bằng cách tham gia tổ chức giống như tổ chức này, họ có sứ mạng tham gia chính trị nhiều hơn. Bản thân tôi cảm thấy đây là tiếng gọi của đời mình”, bà chia sẻ với ucanews.com hôm 29-10.

“Tôi có tài và tôi có bổn phận phát huy tài năng đó”, bà nói.

Ignatius Jonan, bộ trưởng người Công giáo duy nhất trong nội cát của Tổng thống Indonesia Joko Widodo ủng hộ những lời bình luận của Đức cha Paskalis.

Người Công giáo không nên để việc mình xuất thân từ một nhóm thiểu số cản trở mình.

“Chúng ta có cùng quyền lợi như những người thuộc các nhóm tôn giáo khác”, ông nói.

 

(UCAN 03.11.2017)