ĐTC Phanxicô gặp tham dự viên hội thảo về “Chúa Giêsu và các Pharisêu”

Lúc 9h30 sáng thứ Năm 9/5, tại hội trường Clemente, ĐTC gặp khoảng 400 thành viên tham dự Hội thảo về “Chúa Giêsu và các Pharisêu: một đánh giá liên ngành” được tổ chức tại Viện Kinh Thánh Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha có một bài diễn văn, nhưng ngài nói: “đọc diễn văn khi nào cũng buồn”, nên ngài trao cho các tham dự viên diễn văn của ngài và dành thời gian bắt tay và trao đổi riêng với từng người.

Nội dung diễn văn đề cập đến dịp kỷ niệm 110 năm của Viện Kinh Thánh Giáo Hoàng, được thành lập năm 1909 bởi Đức Piô X để nghiên cứu chuyên sâu về Kinh Thánh tại Roma. Viện đã có những đóng góp lớn trong việc nghiên cứu và giảng dạy Kinh Thánh. Trong những năm gần đây viện đã tăng cường hợp tác với các học giả Do Thái và Tin lành.

Mục đích của hội thảo

Hội thảo lần này về tương quan của Chúa Giêsu và các Pharisêu để hiểu những câu chuyện, đôi khi mang tính chính trị, liên quan đến những người Pharisêu trong Tân Ước và trong các nguồn cổ xưa khác.

Đối với các Kitô hữu và trong xã hội, từ “Pharisêu” thường có nghĩa là “người đạo đức giả” hay “cao ngạo”. Tuy nhiên, đối với nhiều người Do Thái, các Pharisêu là những người sáng lập Do Thái giáo theo truyền thống Rabbi và do đó là những tổ đạo của họ.

Lịch sử chú giải đã cho thấy những hình ảnh tiêu cực của các Pharisêu, ngay cả không dựa trên cơ sở cụ thể trình thuật Tin Mừng. Và thường theo thời gian, quan điểm này đã được các Kitô hữu quy cho người Do Thái nói chung. Những nghiên cứu liên ngành của hội thảo này sẽ giúp có được một tầm nhìn chân thực hơn về nhóm tôn giáo này, cũng giúp chống lại chủ nghĩa bài Do Thái.

Chúa Giêsu và các Pharisêu trong Tân Ước

Trong Tân Ước, thánh Phaolô đã khoe mình là người Pharisêu trước khi gặp Chúa Giêsu (Pl 3,5). Chúa Giêsu cũng đã có nhiều cuộc thảo luận với các Pharisêu về những mối quan tâm chung. Ngài chia sẻ với họ về niềm tin vào sự phục sinh (xem Mc 12,18-27) và chấp nhận các khía cạnh khác trong việc giải thích của họ về Kinh Torah. Nếu sách Công vụ Tông đồ nói rằng một số người Pharisêu đã gia nhập nhóm những người theo Chúa Giêsu tại Giêrusalem (x. 15,5), thì có nghĩa là phải có nhiều điểm chung giữa Chúa Giê-su và người Pharisêu. Cũng sách Công vụ Tông đồ đề cập đến ông Gamaliel, một nhà lãnh đạo của những người Pharisêu, đã bảo vệ Phêrô và Gioan (x. 5,34-39).

Tin Mừng Gioan thì đề cập đến cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một người Pharisêu tên là Nicođêmô, một trong những người lãnh đạo của người Do Thái (x. 3,1). Các Tin Mừng Nhất Lãm cũng kể về những cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó liên quan đến điều răn nào lớn nhất. Sau cuộc nói chuyện, theo Maccô, Chúa Giêsu nói với ông Pharisêu: “Anh không xa nước Thiên Chúa đâu” (12,34), cho thấy Chúa Giêsu dành sự quý mến thực sự cho những nhà lãnh đạo tôn giáo này.

Rabbi Aqiba, một trong những rabbi nổi tiếng nhất của thế kỷ thứ hai, người thừa kế các giáo huấn của người Pharisêu, đã chỉ ra đoạn văn từ sách Lv 19,18: “hãy yêu người lân cận như chính mình” như một đại nguyên tắc của Torah. Lời của ông hòa hợp đáng kể với giáo huấn về điều gọi là nguyên tắc vàng của Chúa Giêsu (x. Mt 7,12). Do đó, tình yêu đối với người lân cận tạo nên một chỉ báo quan trọng để nhận ra mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và người Pharisêu đối thoại với Ngài.

Cuối nội dung diễn văn, Đức Thánh Cha viết: chúng ta cần phải tìm cách vượt qua những định kiến ​​cũ. Tôi tin rằng những nghiên cứu trong hội thảo này sẽ đóng góp tích cực cho mối quan hệ giữa người Do Thái và Kitô hữu, trong cái nhìn đối thoại ngày càng sâu xa và huynh đệ hơn. (CSR_2817_2019)

Văn Yên, SJ