Dấu ấn của Trung tâm hành hương Fatima Bình Triệu

Năm 2017 mang nhiều ý nghĩ đối với giáo xứ Fatima Bình Triệu khi đánh dấu chặng đường tròn 40 thành lập, và đặc biệt hơn, ngày 25.3.2017 tới, Đức TGM TGP.TPHCM Phaolô Bùi Văn Đọc sẽ chủ tế thánh lễ cung hiến ngôi thánh đường giáo xứ. Đây không chỉ là niềm vui đối với giáo dân Bình Triệu mà còn lan tỏa đến nhiều người bởi từ nay, Trung tâm hành hương kính Mẹ Fatima của TGP đã có ngôi thánh đường khang trang, xứng hợp.
Dấu ấn của Trung tâm hành hương Fatima Bình Triệu

Bình Triệu thuở ban đầu

Nằm cuối con đường đông người qua lại, nhà thờ Fatima hiện lên uy nghi với đôi tháp chuông cao vút. Một mặt hướng ra khu dân cư, mặt còn lại giáp con sông Sài Gòn nước tràn quanh năm, khuôn viên nơi đây trở nên hiền hòa, là điểm hành hương lý tưởng cho những ai muốn kiếm tìm sự lắng đọng, bình yên trong tâm hồn. Dù hình thành cách đây chưa phải quá lâu nhưng Fatima Bình Triệu giờ đây đã chuyển mình trở thành một giáo xứ lớn trong giáo phận với khoảng 8.500 giáo dân. Đây thật sự là một hồng ân, khác xa  thuở hình thành chỉ là vùng đất hoang vu, nhiều đồng ruộng.

Bên tượng Mẹ không khi nào thiếu vắng đoàn con đến kính viếng Ngược dòng lịch sử, vào tháng Hoa năm 1962, phong trào quốc tế Tông đồ Fatima tổ chức cung nghinh tượng Đức Mẹ Fatima đi khắp mọi nơi trên thế giới. Khi rước tượng Mẹ qua Việt Nam, nhận thấy lòng sùng kính của giáo dân rất lớn nên cha Phaolô Võ Văn Bộ, người tổ chức cuộc rước kiệu, có ý định dựng nên một trung tâm hành hương để kính dâng Mẹ Fatima. Sau khi dò tìm và với sự chung tay của nhiều người, cha mua lại khu đất rộng 12,5 mẫu, một mặt sát quốc lộ 13 và ga xe lửa Bình Triệu, mặt còn lại hướng ra sông Sài Gòn.

“…Giáo xứ Fatima Bình Triệu tọa lạc tại số 58 đường 5, KP.2, Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức (TPHCM). Chánh xứ hiện nay là cha Gioakim Trần Văn Hương, về nhận sở tháng 7.2016, kế nhiệm cha Liêu nghỉ hưu. Hiện nay, phía sau nhà thờ, giáo xứ đang xây dựng dãy nhà đa năng dành để dạy giáo lý cũng như sinh hoạt hội đoàn…”

Bước đầu, ngài xây dựng một đài để đặt tượng Đức Mẹ Fatima cao 3m. Ngày 15.8.1966, Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đến làm phép tượng đài và dâng thánh lễ đầu tiên tại đây. Kể từ đó, giáo dân các nơi lần lượt tìm về bên Mẹ, đặc biệt trong các ngày 13.5 và 13.10 hằng năm, rất nhiều người đến kính viếng. Trung tâm Fatima Bình Triệu hình thành – tiền thân của giáo xứ Fatima Bình Triệu ngày nay. Xuất phát từ nhu cầu của giáo dân ngày một lớn nên về sau, cha Bộ đã cho xây dựng thêm nhiều cơ sở như đền Đức Mẹ Fatima, nhà tĩnh tâm, nhà thờ Chúa Kitô… Năm 1977, giáo xứ chính thức thành lập, nhận Đức Mẹ Fatima làm Bổn mạng, hiện đổi thành Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ngày (15.8). Cùng năm đó, Tòa TGM đã cử cha Simon Nguyễn Văn Lập về làm cha sở. Ngoài tiếp tục công việc còn dang dở của vị tiền nhiệm, cha chia tách giáo xứ thành 15 xóm giáo để các hoạt động ngày thêm quy củ. Trải qua thời gian, các cơ sở giáo xứ ngày một xuống cấp, hơn nữa do nằm gần bờ sông, thủy triều lên xuống đã xói lở sâu vào phần đất nhà thờ khiến mọi người không khỏi lo lắng. Do đó, sau khi được TGM bổ nhiệm về nhận sở tháng 1.2000, điều đầu tiên cha xứ Aloysiô Lê Văn Liêu thực hiện là cho xây dãy bờ kè kiên cố, kế tiếp là các cơ sở liền kề như nhà xứ, tháp chuông, nhà hài cốt…, sau cùng là khởi công xây mới ngôi thánh đường.

Bên trong nhà thờ

Dấu ấn nơi Trung tâm hành hương

Theo các bậc cao niên kể lại, vùng đất giáo xứ trước đây khá thưa vắng. “Ngày gia đình tôi mới về đây định cư, cả xứ mới có 150 gia đình Công giáo. Đến những năm 1990, người từ các nơi đổ về ngoại ô Bình Triệu mua đất bán buôn, sinh sống đã làm cho nơi đây ngày một đông đúc. Riêng người có đạo khi về ai cũng đều muốn sống gần bên Mẹ nên tới nay, đã lên tới 2.800 gia đình”, ông Phaolô Phạm Văn Lân, Chủ tịch HĐMVGX, sống ở đây từ năm 1979 nhớ lại. Người di dân đến, họ còn mang theo sức sống cùng những nét đẹp các vùng miền, làm cho các sinh hoạt trong xứ ngày càng thêm phong phú.

Mặc dù cuộc sống phố thị bận rộn nhưng từ ngày đầu hình thành đến nay, truyền thống đọc kinh liên gia theo từng xóm giáo vẫn được bà con duy trì cách đều đặn. Ngoài việc mọi người cùng quây quần dâng lên Mẹ lời kinh thì đó còn là dịp giúp thắt chặt thêm tình thân, tạo sự gắn bó cộng đoàn. Được biết, dịp khánh thành nhà thờ, cha sở cũng tặng mỗi gia đình một tượng Đức Mẹ Fatima, với mong muốn mọi người sẽ siêng năng hơn nữa trong những giờ kinh chung… Giáo dục lớp trẻ cũng là việc làm giáo xứ lưu tâm hàng đầu. Ở đây các em được đào tạo đức tin và nhân bản cách kỹ càng. Ngoài đội ngũ giáo lý viên vững về chuyên môn, các chị trong Tu hội Bác ái Bình Triệu, dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng cũng góp sức cùng giáo xứ trong việc giảng dạy các em. Các khóa Giáo lý Dự tòng, Giáo lý Hôn nhân đều đặn mở ra hằng năm, thu hút số đông bạn trẻ tham dự. Mỗi khóa học là một quá trình đồng hành của người dạy nhằm giúp mỗi học viên có các kiến thức đạo đời trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.

Ngày 13.5 và 13.10 hằng năm có rất đông giáo dân về dự lễTrong lãnh vực bác ái, mọi thành phần trong xứ cùng chung tay đến với người nghèo, người tàn tật neo đơn. Hằng năm, Ban bác ái có trách nhiệm tìm hiểu, thống kê con số, sau đó hội Legio Mariae, hội Các Bà Mẹ Công Giáo chia nhau đến thăm hỏi, trợ giúp. Vào dịp Tết, các ông trùm sẽ đến từng nhà trao cho các hộ gia đình nghèo những phần quà hoặc tiền mặt, qua đó giúp nhiều người có thêm điều kiện sắm sửa đón Xuân.

Là một Trung tâm hành hương nên mỗi ngày, nơi đây có hàng trăm lượt người về bên Mẹ, đặc biệt vào các ngày 13.5 và 13.10 hằng năm. Trong 2 ngày này có 4 thánh lễ lúc 5g15, 9g, 12g và 16g30. Căn cứ vào số bánh lễ được chuẩn bị trước, những người điều hành ước tính mỗi dịp có khoảng 15 đến 20 ngàn người về dự. Với số lượng khách thập phương đông đảo, để mọi chuyện diễn ra cách tốt đẹp, không chỉ nhờ Ban trật tự khá hùng hậu mà HĐMVGX, các đoàn thể cùng phối hợp, phân chia công việc một cách nhịp nhàng, tất nhiên có cả sự hỗ trợ của chính quyền các cấp.

Giáo xứ Fatima Bình Triệu ngày nay đã có được khuôn mặt tươi đẹp, sinh động và luôn sẵn sàng đón tiếp dòng người về với Mẹ thường xuyên trong năm.

VÕ QUỚI

“…Cơ sở thờ phượng đầu tiên của giáo xứ chỉ là đài Đức Mẹ để giáo dân đến kính viếng. Lúc đầu tượng đài Đức Mẹ đứng lộ thiên, chỉ có các mái che để người hành hương có chỗ trú mưa nắng. Thấy bất tiện, cha Phaolô Bộ đã kêu gọi xây dựng đền Đức Mẹ Fatima. Ngày 13.10.1970, ngôi đền hoàn thành và Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đến dâng lễ khánh thành. Sau đó 3 năm, ngày 6.1.1973, ngôi thánh đường Chúa Kitô vua bề thế hơn cũng được hoàn tất. Qua thời gian, ngôi thánh đường xuống cấp nên ngày 13.11.2010, Đức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn – TGM TGP. TPHCM lúc bấy giờ chủ sự thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng lại. Qua hơn 6 năm, nhà thờ mới với kích thước 50mx35m, có sức chứa 1500 người, được khánh thành trong sự hân hoan của nhiều người trên khắp các vùng miền…”

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc