Cảm thức “Tháng Các Đẳng Linh Hồn”

Trong cuộc hành trình đức tin, nối tiếp ngay sau Tháng Mười là Tháng Mân Côi tôn vinh Đức Mẹ, Giáo hội tiếp tục dẫn dắt cộng đoàn tín hữu bước vào Tháng Mười Một là Tháng Các Đẳng Linh Hồn.


Kết quả hình ảnh cho loài hoa tượng trưng cho sự manh me 
Phụng vụ Giáo hội trong Tháng Các Đẳng Linh Hồn khởi đầu là ngày 01 tháng 11, cử hành thánh lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ do bởi các ngài sống đẹp lòng Chúa và chết đi trong thánh thiện, được Chúa thương ban ân phúc bằng Sự Sống Vĩnh Cửu nơi Thiên Quốc. Kế đến ngày 02 tháng 11, cử hành thánh lễ cầu cho Các Ðẳng Linh Hồn với trọng tâm Giáo hội gọi mời mọi người hiệp ý cầu nguyện cho các linh hồn, là những tín hữu đã qua đời nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, đang phải chịu hình phạt nơi chốn luyện hình mà nơi đó, các linh hồn phải thanh luyện hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để làm hành trang vào Nước Trời. Tiếp diễn sau hai thánh lễ nêu trên thì trong đời sống Giáo hội, hành vi đạo đức của cộng đoàn tín hữu triển nở rộng khắp trong suốt Tháng Mười Một bằng việc đọc kinh cầu nguyện, viếng đất thánh, ăn chay hãm mình, xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn…

Tháng Các Đẳng Linh Hồn, không như những sự kiện xã hội khi mà các cấp thẩm quyền ra sức hô hào, vận động, giám sát. Không là như thế mà Tháng Các Đẳng Linh Hồn chính là sự mở ra ơn gọi thiêng liêng về đạo hiếu, là sự đụng chạm đến lòng trắc ẩn của tín hữu đang sống nơi Giáo hội Lữ Hành hướng về các linh hồn nơi Giáo hội Khổ Đau; Và Các linh hồn có thể là những đấng bậc tiền nhân, những người trong mối quan hệ huyết tộc, mối quan hệ xã hội hay trong mối nhân duyên của mỗi người. Khi Giáo hội mời gọi tín hữu sống tâm tình, hiệp thông trong Tháng Các Đẳng Linh Hồn thì chắc hẳn không có lý do gì khác mà đó là sự nhắc nhở mỗi người sống bằng lương tâm trách nhiệm, bằng sự yêu thương và trên hết là sống đúng phẩm giá con cái Chúa.

 

Sống tâm tình, hiệp thông trong Tháng Các Đẳng Linh Hồn là sống chuẩn mực đạo hiếu của người tín hữu

 

Nơi các thiết chế xã hội hay trong đời sống gia đình, người ta thường đề ra những chuẩn mực để định hướng cá nhân, cộng đồng về hành vi, lẽ sống sao cho phù hợp nhằm đem lại cái đẹp và nhân văn, sự ích lợi cho gia đình, xã hội. Cảm nghĩ rằng, khi nói về chuẩn mực trong đời sống Giáo hội thì nơi tâm tưởng của mỗi tín hữu sẽ là sự tôn kính Chúa Giêsu Kitô – Vua Tình Yêu. Vì lẽ đó, sống chuẩn mực trong đời sống Giáo hội chính là khi người ta sống bởi tinh thần Lời Chúa và sống theo giáo huấn Hội thánh của Người.

 

Từ trước đến nay, luôn tồn tại khuynh hướng ngộ nhận hay nhận thức chưa đầy đủ hoặc như là sự nhìn nhận vấn đề một cách chủ quan của những anh chị em không cùng chung niềm tin tôn giáo khi cho rằng người Công giáo không thờ kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời. Ngược lại với quan điểm đó, đời sống Giáo hội của Chúa từ thủa sơ khai, bổn phận và đạo hiếu làm con đã được xác quyết là Một Giới Răn – Giới Răn Thứ Tư trong Mười Giới Răn của Chúa là “ Thảo Kính Cha Mẹ”. Và suốt cuộc đời rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, Chúa Giêsu hằng luôn hướng tha nhân đến Một Chân Lý Vĩnh Cửu, đó là tình yêu. Bởi thế, có chăng chỉ là “chưa có sự gặp nhau” về niềm tin Công giáo với niềm tin khác trong việc thờ kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà thôi.

 

Với người Công giáo, ngày lễ giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì những bữa tiệc mâm cao cỗ đầy chưa bao giờ được xem là thực chất, cũng chẳng phải là vấn đề ưu tiên. Trong bối cảnh này, bữa tiệc nơi chốn nhân gian hoàn toàn có thể thay thế bằng một bữa tiệc khác, là bữa tiệc tâm linh hội đủ những món ăn thiêng liêng là nén hương lòng, là lời kinh nguyện, là thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn và nơi đó, sự hiện diện của những “thực khách” được gắn kết mật thiết, yêu thương  bởi “ Chiếc cầu nối mang tên Giêsu”.

 

Phụng vụ Giáo hội đã dành cả Tháng Mười Một nhằm khơi gợi lòng trắc ẩn và gọi mời tín hữu sống tâm tình, hiệp thông với các đẳng linh hồn thì đây chính là cơ hội không thể tốt hơn để mỗi người tỏ bày sự kính trọng – tưởng nhớ – thương yêu trong tinh thần đạo lý uống nước nhớ nguồn. Như vậy và có lẽ là không thể khác, sống tâm tình, hiệp thông trong Tháng Các Đẳng Linh Hồn thì chính là lúc người ta đã sống chuẩn mực đạo hiếu của người tín hữu một cách rõ nét nhất, tốt đẹp nhất.

 

Nghĩ về loài hoa “Forget me not”, liên tưởng đến Các Linh Hồn

 

Ở Việt Nam, vùng đất Đà Lạt là nơi nổi tiếng có nhiều loài hoa. Trong đó, hoa Lưu Ly là một trong những loài hoa đẹp. Truyền thuyết của người Đức kể về nguồn gốc của loài hoa Lưu Ly rằng: Chàng hiệp sĩ trẻ và người yêu đi dạo trên bờ sông Danube, bất chợt cô gái thấy một loài hoa đẹp mọc ven sông nên tỏ ra thích thú và nhờ người yêu hái cho mình. Khi vươn tay hái hoa, chàng hiệp sĩ trượt ngã xuống sông và chàng không thể chống lại dòng nước chảy xiết. Biết mình sẽ chết đuối, chàng hiệp sĩ gắng sức tung những đóa hoa về phía cô gái và nói lời trăn trối “Đừng quên nhau nhé “, rồi chàng bị cuốn đi bởi dòng nước chảy xiết. Từ đó, cô gái sống trong đau khổ, cô không quên anh và những đóa hoa định mệnh ấy cô cài trên mái tóc của mình cho đến khi qua đời.

 

Trong tiếng Anh, hoa Lưu Ly có tên gọi là “Forget me not” nghĩa là “ Xin đừng quên tôi”.

 

Khi liên tưởng đến truyền thuyết loài hoa “Forget me not”, có lẽ các linh hồn nơi chốn luyện hình cũng hằng luôn nhắn gửi tín hiệu “ Xin đừng quên tôi” đến với chúng ta. Vâng, xin đừng quên họ vì đây là lương tâm trách nhiệm; Xin đừng quên họ vì chúng ta là con cái Chúa; Và xin đừng quên họ vì trong chúng ta không ai có thể tránh được quy luật muôn thủa “ nay người, mai ta”. Tự bản chất, Giáo hội của Chúa là Giáo hội cầu nguyện, vậy nên chúng ta hãy nguyện cầu cho nhau và nguyện cầu cho các linh hồn đã là chúng ta luôn nhớ đến họ; đây là nền tảng yêu thương, là sự hiệp thông, bác ái, là hành trang của mỗi người trên bước đường lữ thứ trần gian mà Thầy Chí Thánh Giêsu hằng luôn khích lệ, gọi mời.

 

Đừng để tín hiệu “ Xin đừng quên tôi” nơi các linh hồn trở nên vô vọng, lạc lõng trong sự vô cảm mà ngược lại, chúng ta hãy mạnh mẽ truyền đi tín hiệu “ Chúng tôi không quên các linh hồn ” thì ắt hẳn, đó là tín hiệu yêu thương làm đẹp lòng Chúa. “ Xin đừng quên tôi” và “ Chúng tôi không quên các linh hồn” luôn phải là cặp tín hiệu bất biến giữa hai Giáo hội Khổ Đau và Lữ Hành, là “cặp phạm trù yêu thương” mà Thiên Chúa đã mặc định nơi loài người từ thủa hồng hoang.

 

Trở lại với truyền thuyết loài hoa “Forget me not”, giả thiết đặt ra rằng, nếu có chiếc phao cứu sinh thì có lẽ chàng hiệp sỹ đã không chết bởi dòng nước chảy xiết. Tuy nhiên, việc đọc kinh cầu nguyện, viếng đất thánh – viếng mộ, ăn chay hãm mình – làm việc bác ái, xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn thì không bao giờ là giả thiết mà đó là việc làm thực tâm, chân thành. Từ đó, người ta cứ mạnh dạn xem những việc lành phúc đức dành cho các linh hồn là “chiếc phao thiêng liêng” mà các linh hồn luôn khẩn khoản đón chờ.

 

Tháng Các Đẳng Linh Hồn – Tháng Mười Một vào Đông, tháng tiệm cận cuối năm

 

Mùa thu qua, sang Tháng Mười Một tiết trời lập đông trở lạnh. Thời tiết lạnh luôn là “chất xúc tác” khiến người ta xích lại gần nhau. Có gì thú vị hơn khi sớm mai bên tách cà phê nóng hay chiều hoàng hôn se lạnh nâng chén rượu nồng thưởng thức những bản tình ca Mùa Đông da diết hoặc bàn chuyện nhân tình thế thái. Thời tiết lạnh cũng là “một thành tố” của tình yêu lứa đôi khi nam thanh, nữ tú xích lại gần nhau gửi gắm thông điệp yêu thương. Rồi người ta cứ thoải mái tận hưởng những thú vui, những sở thích trong cái se lạnh Mùa Đông, chẳng sao cả, vì đó là một phần tất yếu của cuộc sống; Duy có điều, nơi góc khuất tâm hồn của mỗi người hằng luôn ấm áp và luôn có chỗ cho các linh hồn. Đây là dấu chỉ tình yêu mà chỉ nơi “Người Tình Vô Tiền Khoáng Hậu” là Đức Giêsu Kitô là hình ảnh đại diện duy nhất; Là mầu nhiệm hiệp thông hình thành nên cốt cách người tín hữu.

 

Bước vào Tháng Mười Một cận kề cuối năm công việc bộn rộn, rồi chuyện cơm áo gạo tiền làm cho những bước chân trở nên vội vã, đan xen với những toan tính thiệt hơn trong vòng vây hỉ, nộ, ái, ố nơi chốn chợ đời. Rồi đến một lúc nào đó, tâm hồn người ta cũng phải có một chỗ thảnh thơi, một chỗ chỗ trang trọng để đồng hành với Tháng Các Đẳng Linh Hồn. Rồi những bước chân của người ta cũng sẽ trở nên thanh thoát hơn khi đến với giờ kinh nguyện, đến hiệp dâng thánh lễ, đến viếng đất thánh và những mộ phần…

 

Vĩ Thanh

 

Một nhóm bạn sốt sắng trong Tháng Các Đẳng Linh Hồn. Mỗi lần rủ nhau đi viếng đất thánh, nhóm bạn này thường nói vui là “đi du lịch Thành Phố Buồn”. “Đi du lịch Thành Phố Buồn” là câu nói vui nhưng trong chừng mực nào đó vẫn đem lại cho người ta nguồn xúc cảm. Vì nghĩ rằng, nơi “Thành Phố Buồn” hằng luôn có những “cư dân” vốn đã tủi hổ và cô đơn nay trở nên vui mừng và hạnh phúc bởi được những vị khách quí, là những cư dân vốn luôn bận rộn nơi chốn chợ đời nhưng vẫn dành thời giờ ghé thăm.

 

Nguyện xin Chúa, Mẹ Maria cầm tay dắt con đi trong ơn gọi thiêng liêng, xin cho những bước chân của con dẫu có lặng thầm nhưng vẫn chuyên chở được lòng kính trọng, sự yêu thương và bác ái, để con được hòa mình vào dòng chảy của Giáo hội là biết sống tâm tình, hiệp thông trong Tháng Các Đẳng Linh Hồn./.

 

Jos Nguyễn Mừng