Bài giảng Chúa Nhật XXV Mùa Thường Niên – năm A

Lời Chúa: Mt 20,1-16a

 

“Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn.
Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi
là một quan tiền sao?”
(Mt 20,14)

Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng chúng vừa nghe nói về lòng quảng đại trong việc phụng sự Thiên Chúa cũng như đối xử với nhau.

Bài học này, Chúa dùng một dụ ngôn đặc biệt để dạy chúng ta.

I. Bài dụ ngôn

1. Một người kia có một vườn nho.

– Ông ta là chủ của vườn nho đó cho nên ông ta có quyền canh tác trên vườn nho đó để thu hoa lợi

– Diện tích vườn nho có lẽ phải lớn cho nên ông phải thuê người làm cho ông.

– Ở đây chúng ta nên lưu ý một chút về cách tính giờ của người Do Thái:

Ngày làm việc của người Do Thái bắt đầu từ lúc mặt trời mọc và kết thúc vào lúc mặt trời lặn. Và căn cứ vào đó thì chúng ta sẽ có một thời biểu tương ứng như thế này:

Giờ thứ 1, thứ 3, thứ 6, thứ 9 và thứ 11, tương đương với 6 giờ, 9 giờ, 12 giờ, 15 giờ, 17 giờ, và kết thúc lúc 18 giờ.

– Có 5 đợt thuê thợ tất cả.

Đợt đầu có sự mặc cả rõ ràng về giá cả 1 đồng/một ngày công.

Các đợt sau thì không có sự mặc cả gì.

– Chiều đến: trả lương.

– Cách thức trả lương có khác thường… bắt đầu từ người đến làm việc sau cùng đến người làm đầu tiên.

– Chính cách thức trả lương như thế đã làm nảy sinh ra vấn đề phân bì giữa những người thợ được thuê làm trong cùng một vườn nho.

– Người cuối cùng vui vì thái độ đầy lòng yêu thương và quảng đại của chủ.

– Những người đến làm trước buồn vì cảm thấy mình như bị thua thiệt.

2. Vấn đề đặt ra ở đây là ông chủ làm như thế có công bằng không. Ta phải trả lời là có.

– “Này bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một đồng sao?” (Mt 20,13)

– Ông đã đối xử với họ theo lẽ công bằng thương mại. Luật pháp gọi là công bằng giao hoán.

– Về phương diện này thì ông chủ hợp lý và hợp pháp

– Việc ông chủ đối xử khác, khác hơn lẽ công bằng giao hoán thì lại là vấn đề khác. Nó đã vượt ra ngoài phạm vi công bằng. Nó đã vươn lên tới một bình diện cao hơn… đó là lòng Bác ái và ông ta có quyền làm như thế.

Đó là nội dung bài dụ ngôn hôm nay. Thế nhưng khi đưa ra bài dụ ngôn này Chúa muốn dạy chúng ta điều gì.

II. Bài học

1. Muốn hiểu được bài học Chúa muốn dạy qua bài dụ ngôn hôm nay, chúng ta lại phải trở về với những hoàn cảnh của nó.

Tin Mừng kể lại trước khi nói dụ ngôn này thì có một người thanh niên đến gặp Chúa và muốn xin được làm môn đệ của Ngài. Chúa bảo anh ta hãy trở về bán tất cả những gì anh có rồi phân phát cho những người nghèo khó và Chúa coi đó như một điều kiện phải có để Ngài chấp nhận anh ta. Sự đòi hỏi của Chúa làm cho anh ta chùn bước. Lý do là vì anh có nhiều của cải. Của cải đã níu kéo quá mạnh, thành thử anh ta đã bỏ cuộc. Nhưng câu chuyện chưa chấm dứt tại đấy.

Sau khi người thanh niên bỏ đi thì ông Phêrô… lại ông Phêrô. Ông Phêrô đứng ra đặt vấn đề với Chúa. Ông nói như sau “Thưa Thầy, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27)

Câu hỏi của Phêrô sặc mùi thương mại trần thế. Ông muốn Chúa phải nói rõ cho các ông biết Chúa sẽ đối xử với các ông thế nào trước những hy sinh từ bỏ của họ.“Chúng con sẽ được gì?”

Chúa không để cho các ông ấy phải thất vọng. Chúa đã trả lời. Chúa không lẩn tránh vấn đề. Và câu trả lời của Chúa thật là tuyệt diệuTuyệt diệu ở chỗ nó vừa thỏa mãn được vấn đề các tông đồ đặt ra với Chúa, lại vừa có sức nâng tầm nhìn của các môn đệ lên tới một bình diện cao hơn.

“Ai vì danh Ta mà từ bỏ Cha Mẹ, anh em, con cái, nhà cửa, ruộng đất thì sẽ được gấp trăm ở đời này và… [tiếng và thật quan trọng (ghi chú của tác giả)]… và được sự sống đời đời.” (Mt 19,29)

Sự sống đời đời. Đó là một phần thưởng vô cùng quý giá mà không có một giá trị trần thế nào có thể đổi chác được. Phần thưởng đó là do ơn lộc của Chúa cũng như do lòng quảng đại vô bờ vô bến của Ngài.

Trong nước của Thiên Chúa sẽ không có giao hoán đổi chác, phần thưởng sẽ không dựa vào lao động như thước đo.

Phần thưởng trong nước Thiên Chúa không được tính theo số lượng giờ giấc nhưng trước hết phải căn cứ vào niềm tinTin vào sự quảng đại và tình thương bao la của Thiên Chúa và sau là trung thành với niềm tin đó.

Vì thế dù chỉ được Chúa kêu gọi một phút giây trước giờ tàn của cuộc sống thì sự trung thành cũng vẫn cần thiết.

Con người không có quyền ghen tị với sự quảng đại của Thiên Chúa. Nếu một ai đó thấy cuộc đời của mình không được Chúa đối xử lại một cách quảng đại, thì lý do không phải tại Chúa, mà họ phải hồi tâm trở lại với lòng mình xem mình đã sống với Chúa như thế nào:

Ông chủ trong dụ ngôn đã tính toán với những ai đã muốn tính toán với ông. Nhưng ông lại rất quảng đại đối với những ai tin tưởng vào ông.

Để minh họa điều này tôi xin mời anh chị em nghe một câu truyện. Câu truyện này do văn hào Tagore viết ra. Ông là một người không có đạo nhưng những gì ông viết rất phù hợp với những Lời của Chúa trong Phúc Âm.

Câu truyện có tựa đề là “Người ăn xin”

Con đi ăn xin từng nhà trên con đường làng. Bỗng con thấy một cỗ xe bằng vàng đang từ xa đi tới… như một giấc mơ, giấc mơ huy hoàng. Con tự hỏi ông vua nào mà lại lộng lẫy như thế? Lòng hy vọng trào lên trong lòng con. Con tự nghĩ: “Thế là từ nay đời mình sẽ hết khổ!” Và con chuẩn bị sẵn sàng chờ Ngài đến… tay Ngài bung những đồng tiền vàng vung vãi trong đám bụi bên đường.

Và cỗ xe dừng lại nơi con đang đứng. Cái nhìn của đức vua đậu lại trên con… rồi Ngài bước xuống, miệng mỉm cười. Con cảm thấy như cơ may của đời mình đã tới.

Bỗng dưng con thấy đức vua chìa tay ra và hỏi “Con có gì cho ta không?”

Con bối rối ngỡ ngàng… Con từ từ thò tay vào trong bị rút ra một hạt lúa mì và dâng cho Ngài. Nhận hạt lúa mì xong, Ngài lên xe và tiếp tục đi.

Chiều đến… khi dốc những hạt lúa trong bị ra… thì thật là ngỡ ngàng biết bao.

Một hạt vàng óng ánh nằm giữa những hạt lúa mì khác.

Con nức nở khóc và tiếc rẻ. Con tự nguyền rủa chính mình “Tại sao mình đã không dâng cả cho đức vua tất cả những hạt lúa mì mình có.”

Có lẽ cuộc sống của chúng ta mỗi người nhiều khi cũng giống như thế. Chúng ta rất hẹp hòi với Chúa và với anh em. Rồi nhiều khi chúng ta thấy người nọ người kia được Chúa đối xử hơn chúng ta, thay vì chúng ta bình tâm xét lại xem chúng ta đã sống cho Chúa như thế nào, chúng ta lại đâm ra ghen tương phen bì với anh em và cả với Chúa nữa.  

Lạy Chúa, giờ đây, xin Chúa điều chỉnh lại cách sống của chúng con, sao cho những ngày tháng chúng con sống trên đời là những ngày tháng tràn ngập niềm vui. Vì đó là những ngày chúng con sống chan hòa với Chúa và với anh chị em chúng con. Amen.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý